>>> U16 Việt Nam 1-0 U16 Campuchia: Khắc Khiêm đưa Việt Nam vào chung kết
U16 Việt Nam được đánh giá cao hơn U16 Campuchia rất nhiều về chuyên môn. Điều này đúng và nếu chơi tưng bừng như vòng bảng thì thậm chí chúng ta có thể nghĩ tới một chiến thắng đậm. Nhiều NHM muốn thế nhưng điều đó chẳng khác nào con dao 2 lưỡi có thể đánh bại chính chúng ta.
Có một sự khác biệt cực lớn so với các trận trước đó là con số 6 vạn khán giả (nhiều hơn Mỹ Đỉnh 2 vạn) ở trên sân. Ngay cả những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm nhất cũng có thể bị tâm lý chứ đừng nói gì đến những chàng trai mới sinh năm 2000 của U16 Việt Nam. HLV Đinh Thế Nam lo lắng là không thừa. Nếu chúng ta đá bốc đồng, cuốn theo lối chơi tốc độ thì sẽ rất nguy hiểm.
Đừng nói đến U16 mà không có nhiều cầu thủ bóng đá Việt Nam có vinh dự đá trước 6 vạn khán giả trên sân. Kể cả ĐT Việt Nam hay U19 trước kia đều gần như không phải chịu sức ép nào như thế. Nhất là số khán giả khủng khiếp ấy lại chống lại chúng ta. Hữu Thắng và các đồng đội đã tuân thủ đúng đấu pháp và làm việc cầm phải làm. Dù là một pha va chạm nhỏ thì cũng nằm sân lâu hơn thường lệ. Không phải ăn vạ, câu giờ mà là để giảm sự hưng phấn của khán giả trên sân.
U16 Việt Nam thắng U16 Campuchia tại bán kết U16 ĐNÁ
Nếu chúng ta không biết tiết chế cảm xúc thì e rằng càng kích thích thêm tinh thần cho cầu thủ và khán giả chủ nhà. Khi đó thì chưa thể nói trước điều gì. Thử tưởng tượng nếu 6 vạn khán giả hò reo, cổ vũ, thậm chí là la ó U16 Việt Nam trong suốt 90 phút thì xem điều gì sẽ xảy ra? Đừng nói đến chiến thắng, các học trò non trẻ của ông Thế Nam sẽ chẳng thể tránh khỏi cảnh “tim đập chân run” và đánh mất mình. Lúc đó thì còn là tác dụng ngược lại.
Thế nhưng khi khán giả chưa kịp tạo ra tiếng ồn nào thì liên tục bị cắt đứt bằng các pha bóng gián đoạn trên sân. Có thể nhiều NHM không thích nhưng đó là lựa chọn duy nhất của U16 Việt Nam. HLV Đinh Thế Nam đã có quyết định đi ngược số đông nhưng vô cùng đúng đắn. Các chàng trai trẻ của chúng ta đã vượt qua thử thách từ sức ép 6 vạn khán giả tại SVĐ Olympic Campuchia.
Quan trọng hơn, Hữu Thắng và các đồng đội đã không ngã trong một trận đấu thật sự lớn. Gặp chủ nhà, bán kết một giải khu vực, sức ép khủng khiếp trên sân khách. Tất cả những điều đó vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp các chàng trai trẻ bản lĩnh hơn rất nhiều trong tương lai.
Và đừng quên bao thế hệ cầu thủ vàng của chúng ta đều bị tâm lý trong những thời khắc quan trọng, các trận chung kết hay thậm chí chỉ là gặp Thái Lan. Tỷ số thắng U16 Campuchia 1-0 chẳng có gì đáng nói nhưng các cầu thủ trẻ đã có bước tiến rất dài về tâm lý trong cả sự nghiệp quần đùi áo số đang chờ đợi ở phía trước.
Cái nhìn đầu tiên về U16 Việt Nam là lối chơi vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả. Không ít người vội vàng khẳng định các học trò của HLV Đinh Thế Nam không có nền tảng cơ bản như lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, còn thực tế Hữu Thắng và các đồng đội có nhiều hơn thế. Họ cũng được rèn giũa kỹ năng chơi bóng vô cùng bài bản từ khi 10, 11 tuổi.
Khác biệt lớn giữa U16 với U19 HAGL và cả phần còn lại của nền bóng đá là tư duy chơi bóng hiện đại. Nói cách dễ hiểu hơn thì U16 Việt Nam mới đang chơi bóng đúng nghĩa nhất. Họ có kỹ thuật lẫn thể lực, có khả năng tranh chấp tay đôi, có kỹ năng đá vị trí và quan trọng nhất là tư duy chiến thuật hiện đại. Còn các lứa trước nếu có cái này mất cái kia. Lứa Công Phượng có kỹ thuật, chiến thuật nhưng yếu thể lực, yếu về tranh chấp, gần như là con số 0 về phòng ngự.
U16 Việt Nam đã có điểm khác biệt về tư duy
Như đã nói, U16 Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn cách chơi so với các đội tuyển trước đó bằng tư duy chơi bóng hiện đại. Hữu Thắng và các đồng đội có kỹ năng toàn diện nhưng lại đá rất đơn giản. Hầu hết các học trò của HLV Đinh Thế Nam đều có thể đá 2 chân rất đều. Chuyền bóng tốt chỉ sau 1, 2 chạm. Còn trước đây thì thậm chí phải đỡ vài nhịp mới làm chủ được quả bóng, sau đó mới quan sát, rồi quyết định thực hiện đường chuyền tiếp theo.
Cách đá nhiều chạm (rườm rà) trước đây khiến rất nhiều NHM lầm tưởng là cầu thủ Việt Nam... kỹ thuật cao. Còn U16 thì khác, họ chủ động đón bóng, đỡ bóng, thực hiện pha bóng kế tiếp chỉ trong tích tắc. Vì thế người xem có cảm giác Hữu Thắng và các đồng đội đá rất đơn giản nhưng lại ít khi chuyền hỏng và xử lý lỗi.
Chưa biết lứa U16 này có thành công hay không nhưng ít nhất là đã thay đổi hoàn toàn về chất so với sự rườm rà cố hữu của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay.