Ghi tới 10 bàn thắng qua hai kỳ World Cup nhưng tiền đạo Đức Thomas Mueller vẫn bị không ít người gọi là “chân gỗ”, “chỉ biết di chuyển mà thôi”.
Trong cuốn Pep Guardiola: The Evolution (2016) viết về cựu HLV Barcelona và
Bayern Munich, nhà báo thể thao Tây Ban Nha Marti Perarnau mô tả: “Mueller để mất bóng nhiều hơn bất kỳ thành viên nào của Bayern trong 2,5 năm qua. Anh ta không giỏi rê dắt bóng, chưa bao giờ là cầu thủ nhanh nhất đội. Khả năng đánh đầu của Mueller không có gì đặc biệt và có lẽ anh ta cần cải thiện kỹ năng sút bóng”.
Còn cây bút Erende Sangma của trang BuzzFeed India kể khi cô nói “Thomas Mueller” để trả lời câu hỏi “Cô thích cầu thủ nào nhất?”, rất nhiều cổ động viên bóng đá Ấn Độ ngạc nhiên, thậm chí bị sốc. “Gì cơ, tại sao vậy?”, “Anh ta quá bình thường”, “Có quá nhiều cầu thủ giỏi hơn và trông đẹp trai hơn hẳn”… Đó là phản ứng mà Sangma thường xuyên nhận được.
Nhà bình luận Gabriele Marcotti của ESPN đánh giá rằng “chưa có một cầu thủ nào hạn chế về năng lực kỹ thuật như vậy mà lại đạt được nhiều thành công đến thế” (Mueller đã giành 7 chức vô địch Bundesliga, 4 DFB-Pokal, một cúp Champions League, một FIFA Club World Cup với Bayern và nâng cúp vàng vô địch thế giới 2014 cùng đội tuyển Đức).
Chẳng nói đâu xa, trong các trận đấu của CLB Bayern Munich tại Bundesliga hay Champions League được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, không ít bình luận viên Việt Nam vẫn gọi Mueller là “chân gỗ”. Những từ ngữ như “siêu sao” hay “thiên tài” hoàn toàn không được báo chí quốc tế dành cho tiền đạo số 13 của đội tuyển Đức, thay vào đó là từ “lanky” (gầy nhẳng) và “awkward” (ngượng ngịu).
Quả thật, nhìn Mueller chả ra dáng một ngôi sao bóng đá chút nào. Anh có gương mặt ngô ngố, hài hài chứ không đẹp trai như Neymar. Thân hình anh tương đối mảnh khảnh chứ chẳng rắn rỏi như Cristiano Ronaldo. Anh không chạy với tốc độ gió cuốn như Arjen Robben và tất nhiên chẳng thể nào nhảy múa qua 3-4 hậu vệ giống Lionel Messi.
Bản thân Mueller cũng từng thừa nhận với báo Anh Guardian: “Các cầu thủ thường tạo ra sự khác biệt là những chuyên gia lừa bóng. Một số cực nhanh, số khác rất khéo và có nhiều động tác giả. Để lừa bóng giỏi cần kỹ thuật xuất sắc. Nhưng tôi không phải là một chuyên gia lừa bóng. Những tình huống một đối một không phải là điểm mạnh của tôi. Do đó nhiều người nghĩ kỹ thuật của tôi kém”.
Ấy vậy mà chàng ngố 29 tuổi ấy luôn tỏa sáng ở những đấu trường đỉnh cao của bóng đá. Mueller đã ghi 10 bàn trong vỏn vẹn 13 trận ở World Cup 2010 và 2014, nhiều hơn số bàn cộng lại của Ronaldo và Messi, và 7 pha kiến tạo. Tại Champions League, Mueller có 42 bàn thắng và 19 đường chuyền thành bàn sau 101 trận.
Đây là những con số rất đáng nể với một cầu thủ chủ yếu đá ở vị trí tiền đạo lùi, tiền vệ công và tiền vệ cánh phải. Cựu HLV Bayern Louis van Gaal từng tuyên bố: “Trong đội bóng của tôi, Mueller luôn luôn đá chính”. Ngay cả Pep Guardiola cũng nói vậy.
HLV tuyển Đức Joachim Loew mô tả cậu học trò cưng: “Mueller cực kỳ nguy hiểm trong vòng cấm địa”. Còn CEO Bayern Karl-Heinz Rummenigge lắc đầu trước mọi đề nghị chuyển nhượng Mueller. “Chúng tôi có bị điên mới để cậu ấy ra đi”, ông nhấn mạnh. Mueller thực sự là biểu tượng của Bayern.
Lý do gì khiến Mueller thành công đến thế dù không hề được đánh giá cao về năng khiếu tự nhiên và phẩm chất kỹ thuật? Câu trả lời, một phần lớn, nằm ở chính biệt danh mà anh tự đặt cho mình. “Raumdeuter” (Kẻ đánh hơi khoảng trống) - Mueller mô tả phong cách của mình như thế.
Nói một cách đơn giản, phong cách Raumdeuter đòi hỏi cầu thủ di chuyển tự do trên hàng công, tìm kiếm và tận dụng khoảng trống của hàng phòng thủ đối phương, ghi bàn và kiến tạo theo kiểu tận dụng sơ hở. “Điều trọng yếu nhất là việc tính toán thời gian giữa cầu thủ thực hiện đường chuyền và cầu thủ di chuyển vào vị trí phù hợp”, Mueller giải thích.
Khoảng trống chính là vũ khí tối thượng của Mueller, cũng giống như cái chân trái là báu vật của Messi vậy. Khả năng đọc trận đấu, chiếm lĩnh những khoảng trống cần thiết, qua mặt các hậu vệ là tài năng đặc biệt mà không nhiều cầu thủ tấn công có được. Nhưng đó là thứ tài năng thường không được đánh giá đúng như kỹ thuật cá nhân hay tốc độ.
Cũng một phần tại Mueller thường tỏ ra ngố ngố hay vụng về. Nhưng chính cái vẻ ngoài “ngây thơ” đó đã giúp anh đánh lừa được những hậu vệ giỏi nhất và càng bổ sung cho năng lực “đánh hơi khoảng trống” của mình. Điều đó tạo nên sự đặc biệt đến mức độc nhất vô nhị của Mueller. Phong cách đó, lối chơi đó chỉ thuộc về một mình đội phó Bayern và tuyển Đức.
Trước khi Pep Guardiola đến Bayern vào năm 2013, ông đã rất thành công với Barcelona, đội bóng sở hữu những kỹ thuật gia siêu hạng như Messi, Xavi Hernandez hay Andres Iniesta. Lối chơi tiki-taka đặc thù của đội bóng xứ Catalonia đòi hỏi các cầu thủ phải có kỹ thuật xuất sắc mới có thể phù hợp. Mà Mueller thì hoàn toàn khác biệt so với những cầu thủ tấn công Pep từng đào tạo.
“Khi tôi biết Pep Guardiola sẽ đến, tôi không hề nghĩ gì về tương lai mà rất háo hức và tò mò”, Mueller kể. Và sự tự tin của anh là hoàn toàn đúng đắn. Trong 161 trận Pep lãnh đạo Bayern, Mueller chơi tới 151 trận. Không chỉ vậy, chính Pep là người mài rũa những phẩm chất Raumdeuter của anh đến mức trở thành tinh túy nhất.
Mùa giải 2013-2014 và 2014-2015, Mueller đều ghi 13 bàn tại Bundesliga, không hề tồi nhưng cũng không phải là quá cao. Trong quãng thời gian đó, cựu HLV Barcelona đã xếp anh ở nhiều vị trí, từ “số 9 giả”, trung phong cho tới tiền đạo cánh. Và phải đến mùa thứ 3 ở sân Allianz Arena, Pep mới thực sự tìm ra giải pháp để phát huy tối đa những điểm mạnh của cậu học trò đặc biệt.
Còn nhớ khi ở Barcelona, chính Pep là người biến Messi thành “số 9 giả”. Trên thực tế, “số 9 giả” đã tồn tại từ lâu trong bóng đá, những cầu thủ tấn công xuất sắc như Alfredo Di Stefano, Michael Laudrup hay Francesco Totti từng đảm nhận vai trò này. Nhưng từ năm 2009, không ai còn thấy một “số 9 giả” nào xuất hiện.
Pep yêu cầu Messi, trước đó thường đá cánh phải, trám vào vị trí nằm giữa số 10 và số 9, lùi hơn một trung phong truyền thống, xâm chiếm khoảng trống trước mặt cặp trung vệ các đội bóng đối thủ. Messi tỏa sáng rực rỡ, ghi vô số bàn thắng và Pep được ca ngợi là thiên tài chiến thuật. “Số 9 giả” chính thức quay trở lại với bóng đá thế giới.
Và Pep cũng là được điều tương tự với Mueller. Ông triển khai một đội hình mới của Bayern với hàng công 4 người, bao gồm Franck Ribery bên cánh trái, Robben ở cánh phái, Robert Lewandowski đá cắm và Mueller đảm nhận vị trí tiền đạo lùi. Cầu thủ số 25 của Bayern trở thành một “bóng ma” phía sau Lewy, âm thầm di chuyển vào những khoảng trống do mũi nhọn người Ba Lan tạo ra.
Lewy là người tấn công trực diện các trung vệ đối thủ, buộc họ phải theo sát anh. Và Mueller có thêm khoảng trống để tận dụng. Đó là Raumdeuter ở mức độ thuần khiến nhất, vai trò đòi hỏi sự thông minh, khả năng phán đoán, chọn vị trí và năng lực dứt điểm. Mà Mueller có thừa tất cả những thứ ấy.
Mùa giải đó, anh ghi 20 bàn tại Bundesliga, 8 ở Champions League và 4 tại DFB Pokal, tổng cộng là 32 bàn ở mọi mặt trận, kỷ lục của cá nhân anh. Đó cũng là mùa giải mà Mueller mới thực sự được báo chí và giới chuyên gia quốc tế thừa nhận là siêu sao, là đẳng cấp thế giới.
“Tôi không tự phân loại mình là tiền đạo. Tôi không nghĩ vậy”, Mueller cho biết. “Tôi thích hoạt động ở vùng không gian đằng sau hàng tiền vệ đối phương. Đó là nơi tôi có thể làm tổn thương đối phương nhiều nhất. Tôi là dạng nửa tiền đạo, nửa tiền vệ”.
Thậm chí đến cả HLV Carlo Ancelotti, người không tin cậy Mueller trong quãng thời gian cầm quyền ở Bayern, cũng bị ấn tượng bởi tư duy chiến thuật của cầu thủ số 25. “Chúng ta ít thấy sự thông minh và tư duy chiến thuật tầm cỡ như thế ở các cầu thủ tấn công. Đó là điều phi thường”, nhà cầm quân người Ý nói với ESPN hồi tháng 1/2017.
Chính vì khả năng “đánh hơi khoảng trống”, sự thông minh và tư duy chiến thuật tuyệt hảo đó mà không ít lần, người ta thấy Mueller đột nhiên đứng ở vị trí thuận lợi, chẳng hề bị ai kèm trong vòng cấm địa đối phương và ghi bàn. Anh giải thích với báo Guardian: “Khi chạy, cầu thủ không chạy một mình mà mở cánh cửa cho đồng đội, tạo khoảng trống cho anh ấy. Đó là điều không được đánh giá đúng mức trong bóng đá”.
Mueller lấy ví dụ là bàn thắng mở tỷ số trong trận Đức hủy diệt Brazil 7-1 ở vòng bán kết World Cup 2014. Lúc ấy, tất cả mọi người theo dõi trận đấu đều có cùng một thắc mắc: “Tại sao hàng thủ Brazil lại không kèm một cầu thủ nguy hiểm như Mueller, để anh đệm bóng cách khung thành chỉ vài mét sau một quả phạt góc?”
“Tất nhiên khi ghi bàn tôi không bị ai kèm. Nhưng nếu xem kỹ phần quay chậm, bạn sẽ thấy ban đầu Miroslave Klose và tôi bị kèm chặt. Nhưng sau đó chúng tôi di chuyển theo hướng ngược nhau. Cơ bản là chúng tôi đổi vị trí cho nhau. Các hậu vệ bám theo chúng tôi và một trong số họ bị mắc kẹt trong đám đông trước cầu môn tuyển Brazil”, Mueller cho biết.
Tuy nhiên, nếu chỉ có năng lực “đánh hơi khoảng trống”, có lẽ Mueller đã không thành công đến thế. Chừng đó rõ ràng là chưa đủ. Người ta luôn cho rằng Mueller chỉ có kỹ thuật “trên mức trung bình một chút”, nhưng thực tế đó là nhận định sai. Mueller chỉ biết ghi bàn theo kiểu “đánh cắp trứng gà” ư? “Kỹ thuật của tôi tốt hơn là người ta nghĩ. Tôi vẫn có những khoảnh khắc thể hiện khả năng kỹ thuật xuất sắc”, anh tự tin khẳng định.
Trên thực tế, những khoản khắc đó là không hề ít. Hãy nhớ trận giao hữu Đức - Tây Ban Nha cuối tháng 3 vừa qua, anh gỡ hòa cho nhà đương kim vô địch thế giới bằng một cú sút từ khoảng cách 25 m tuyệt đẹp. Bàn thắng duy nhất trong trận Đức hạ Mỹ ở vòng bảng World Cup 2014 là cú sút bóng sống của Mueller từ rìa vòng cấm địa vào góc xa khung thành thủ môn Tim Howard, một pha bóng cho thấy kỹ năng sút rất đáng nể của anh.
Hay ở trận Bayern hạ Darmstadt 3-1 tại Bundesliga hồi tháng 2/2016, Mueller ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 từ một pha đỡ ngực rồi tung người móc bóng cực kỳ ngoạn mục. Rất nhiều lần khác anh ghi bàn thể hiện phẩm chất kỹ thuật cao, từ sút xa, đánh gót cho đến vô lê và rê bóng khéo léo qua thủ môn. Bạn cứ lên mạng, gõ dòng chữ “Thomas Mueller best goals” (những bàn thắng đẹp nhất của Thomas Mueller) là sẽ đủ hiểu.
Nhìn Mueller chạy một cách vụng về, cũng chẳng mấy ai nghĩ rằng anh là một chuyên gia kiến thiết. Nhưng những con số không biết nói dối. Mùa giải này, Mueller đã có 18 pha kiến tạo thành bàn cho đồng đội ở Bayern, một con số khiến những nhạc trưởng hàng đầu thế giới cũng phải kính nể. Mùa giải 2010/2011, anh có 19 đường chuyền thành bàn, 2011/2012 là 20, 2012/2013 là 20, 2013/2014 là 14, 2014/2015 là 18, 2015/20016 là 12, 2016/2017 là 14 (theo Transfermarkt).
Đặc biệt, khả năng tạt bóng của Mueller là rất đáng nể. Hãy nhớ bàn Mario Goetze đánh đầu mở tỷ số cho Đức trong trận gặp Ghana ở World Cup 2014. Pha bóng đó xuất phát từ một đường tạt bóng chính xác đến từng cm của Mueller. Hay ở trận bán kết trước Brazil, Andre Shuerrle ấn định tỷ số 7-1 cũng từ một pha tạt bóng rất khó thực hiện của số 13, ở tư thế quay lưng và bị hậu vệ đối phương áp sát.
Chắc chắn Mueller là một thiên tài bóng đá theo cách riêng của anh, dù không khiến người ta phải mê đắm như Messi, Ronaldo hay Neymar. Đặc biệt,
World Cup dường như là sân khấu của riêng anh, nơi anh tỏa sáng rực rỡ nhất. Ở đó, anh là một người khổng lồ thực sự. 10 bàn thắng và 7 đường kiến tạo chỉ sau 13 trận có lẽ là con số trong mơ đối với Messi và Ronaldo, 2 biểu tượng của bóng đá thế kỷ 21.
Nhưng trước thềm World Cup 2018, chưa bao giờ người hâm mộ nghi ngại Mueller đến thế. Kể từ sau khi đá hỏng quả phạt đền ở trận bán kết Champions League giữa Bayern và Atletico Madrid hồi năm 2016, anh sa sút nghiêm trọng. Tại Euro năm đó, Mueller chỉ có một đường kiến tạo, không ghi nổi một bàn thắng, thậm chí đá luân lưu cũng hỏng.
Sự thụt lùi đó tiếp tục kéo dài. HLV Ancelotti đến Bayern, chuyên gia đánh hơi và tận dụng khoảng trống Mueller bị buộc phải thay đổi lối chơi để tạo khoảng trống cho Lewandowski. Hậu quả là số bàn thắng của “Tommy”, như cách các cổ động viên Bayern và tuyển Đức âu yếm gọi anh, sụt giảm thảm hại. Mùa giải 2016/2017, anh chỉ ghi vỏn vẹn 5 bàn ở Bundesliga và 3 tại Champions League.
Hồi đầu mùa giải năm nay, Mueller tiếp tục vật vờ và chỉ đến khi HLV Jupp Heynckes trở lại sân Allianz Arena, anh mới phần nào tìm lại phong độ. Nhưng số bàn thắng của Mueller cũng chỉ tăng tới 8 tại Bundesliga, 3 ở Champions League và 4 tại DFB-Pokal.
Điều quan trọng là ở đấu trường Champions League, Mueller đã gây nhiều thất vọng. Tại 2 trận bán kết giữa Bayern và Real Madrid, anh đã có không ít cơ hội ngon ăn để sút thủng lưới thủ thành Kaylor Navas nhưng đều gây thất vọng. Nếu Mueller và Lewandowski tận dụng cơ hội tốt hơn, Bayern đủ sức ghi 3-4 bàn vào lưới Real ở mỗi lượt trận.
Trên các diễn đàn của Bayern, không ít cổ động viên than thở “Tommy” đã đánh mất bản năng sát thủ và lần cuối cùng anh thực sự tỏa sáng tại Champions League là khi ghi bàn trận Bayern hạ Juventus ở vòng 1/8 mùa giải 2015/2016.
Trong màu áo tuyển Đức, Mueller ghi 5 bàn tại các trận vòng loại World Cup 2018, một con số không tồi nhưng cũng không quá ấn tượng. Nhiều chuyên gia bóng đá Đức vẫn cho rằng Mueller chưa thực sự dứt hẳn khỏi nỗi buồn vì đá hỏng quả phạt đền trước Atletico và màn thể hiện tồi tệ tại Euro 2016. Trên đất Nga, Mueller sẽ đeo băng đội trưởng tuyển Đức nếu thủ thành Manuel Neuer không kịp bình phục chấn thương.
Nếu Mueller không đạt phong độ cao nhất, “Die Mannschaft” sẽ rất khó bảo vệ được chiếc cúp vàng vô địch. Bởi bóng đá thế giới bây giờ không còn giống như năm 2014 nữa. Brazil đã vượt qua cú sốc Belo Horizonte và đang sở hữu một đội hình mạnh mẽ, đồng đều cả 3 tuyến. Pháp có hàng loạt ngôi sao tấn công đẳng cấp và chất lượng đội hình được đánh giá là số một World Cup. Ngay cả Tây Ban Nha sau nhiều năm bết bát cũng đã trở lại mạnh mẽ, chắc chắn hơn.
Dẫu vậy, đặt cược chống lại Mueller ở World Cup, “thánh đường” của riêng anh, có lẽ là hành động không mấy khôn ngoan. Thậm chí, biết đâu “Tommy” còn có thể san bằng hoặc phá vỡ kỷ lục 16 bàn thắng World Cup của Klose. Hiện tại, trong thế giới bóng đá chỉ duy nhất anh chàng “chân gỗ” có cơ hội làm được điều kỳ diệu đó.