Những chỉ trích nhắm vào cách chơi của Chelsea thời gian gần đây là hoàn toàn vô lý và sai lầm, bởi chính nguồn cơn những chỉ trích ấy, những người Arsenal, cũng từng tẻ nhạt y như thế.
Các CĐV Arsenal đã chỉ trích liên hồi trong hiệp 2 trận gặp Chelsea mà không biết rằng họ đang tự biến mình trở thành lố bịch. Họ la ó “người cũ” Cesc Fabregas thì ít, mà chế nhạo “Chelsea tẻ nhạt” thì nhiều, đều đặn sau mỗi lần những pha tấn công của đội chủ nhà bị dập tắt bởi các học trò của Jose Mourinho.
Đơn giản là chiến thuật của Chelsea trong trận hòa không bàn thắng tại Emirates đã chọc tức các cầu thủ chủ nhà, và nhờ đó đội khách có được lợi thế về tâm lý. Phản ứng của CĐV Arsenal cho thấy rằng họ đã khát khao danh hiệu đến thế nào suốt 1 thập kỷ qua. Cơn giận dữ với những năm tháng thất bại liên tiếp, với những điểm yếu của đội bóng con cưng, tất cả bị họ trút lên đầu đối thủ một cách thiếu kiềm chế.
“1-0 cho Arsenal!”
Hiệp 2 trận gặp Chelsea là nỗi thất vọng lớn với người Bắc London, khi Arsenal hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ phá vỡ hàng phòng ngự chắc như bê tông của gã hàng xóm đáng ghét. Trải qua 12 năm, The Blues đã trở thành một “đại gia” thực thụ không chỉ về mặt tài chính. Họ chiêu mộ hậu vệ trái Ashley Cole của “Pháo thủ” năm 2006, và bản hợp đồng ấy cũng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Arsenal dần trở thành “nguồn cung” cầu thủ cho các đội bóng lắm tiền nhiều của khác.
Ashley Cole mở đường cho "trào lưu" rời Arsenal tìm kiếm danh hiệu
Chelsea cũng đã giành Champions League, điều mà lịch sử 129 năm của Arsenal chỉ được thấy trong những giấc mơ. Nhưng ít ai biết rằng, thành công ấy của đội bóng Tây London đến nhờ vào những bài học rút ra từ chính “Pháo thủ”, ở giai đoạn hưng thịnh nhất.
Cú đúp danh hiệu của Bertie Mee năm 1971 và Arsenal dưới thời George Graham cuối thập kỷ 80, đầu 90 được xây dựng dựa trên nền tảng là hàng phòng ngự kiên cố, tinh thần không bao giờ chịu khuất phục và khả năng bảo vệ thành quả. “Quan trọng nhất là giành chiến thắng. Tôi sẽ để lại những vấn đề về cách chơi cho người khác bận tâm”, Mee khẳng định. Cần biết rằng, mùa 1970/71, Arsenal của Mee đã thắng không dưới 11 lần với cùng tỉ số 1-0, trong đó 8 trận từ tháng 2 tới thời điểm đội bóng này giành cúp bạc đầu tiên sau 18 năm.
“Mọi đội bóng đều cần được xây dựng từ hàng thủ”, Graham chia sẻ quan điểm của tiền bối. “Nếu không, bạn giống như xây lâu đài trên nền cát, sẽ không hiệu quả”. Các đời Arsenal do Mee và Graham dẫn dắt đều chơi đầy thực dụng, nhưng CĐV của họ vẫn tỏ ra rất hài lòng.
Hơn 20 năm trước, các CĐV gạo cội của Arsenal hẳn còn nhớ trận đấu mà họ đã hạ Parma tại chung kết cúp dành cho những nhà vô địch cúp quốc gia (Cúp C2) năm 1994 nhờ pha lập công của Alan Smith, tỉ số tất nhiên là 1-0. Khi ấy, đã từng có lời hát “1-0 cho Arsenal” trên các khán đài để chế giễu cách chơi của thầy trò Graham.
Smith ghi bàn duy nhất cho đoàn quân của Graham
Những thay đổi của Wenger
Phong cách của Arsenal đã rất khác dưới thời Wenger, nhưng chiến lược gia người Pháp cũng không bao giờ tỏ ra kém hài lòng với những trận thắng sát nút. Có lẽ những Gooner chê bai Chelsea của Mourinho nên nhớ lại mùa giải 1997/98, khi Arsenal giành cú đúp danh hiệu nhưng trải qua tới 7 trận thắng 1-0, và 6 trong số đó diễn ra từ tháng 2 trở về sau, bao gồm cả chiến thắng trước kình địch M.U vào tháng 3.
Thời kỳ đầu, Wenger khá chú trọng tới hàng thủ. Hàng công được thỏa sức phát huy lối chơi quyến rũ nhờ những hậu vệ cực kỳ vững chãi phía sau, trong đó đều là những nhân tố từ thời Graham: Tony Adams, Steve Bould, Lee Dixon, Nigel Winterburn và Martin Keown.
Tới mùa giải 2003/04, tất cả những cái tên kể trên đều rời đội, ngoại trừ Keown với một vai trò không còn quá quan trọng nữa. Nhưng theo Wenger, chiến thắng của đoàn quân “bất bại” huyền thoại cũng dựa rất nhiều vào trận hòa không bàn thắng với M.U ngay tại Old Trafford tháng 9 năm đó. “Trận đấu đó thể hiện tinh thần chơi bóng quả cảm, khả năng chiến đấu kiên cường”.
Giống như Adams và Frank McLintock của Arsenal trước đây, John Terry là mẫu thủ lĩnh tinh thần thực thụ, có thể bao quát và chỉ huy hàng phòng ngự trước mọi đợt tấn công của đối phương. Và giống như Patrick Vieira hay Emmanuel Petit thuở nào, Chelsea lúc này có Nemanja Matic và cả Kurt Zouma nữa. Họ tương phản hoàn toàn với “Pháo thủ” của Wenger, đội bóng đã chấp nhận hy sinh khả năng chiến đấu của tuyến giữa để thay thế bằng tốc độ và kỹ thuật. Có thể họ được ngợi ca, nhưng những danh hiệu cũng bỏ họ mà đi kể từ đó.
Bộ đôi đầy sức mạnh Vieira-Petit
Quyến rũ phải song hành cùng… tẻ nhạt
Đầu tuần này, đích thân Graham phải thừa nhận rằng Chelsea của Mourinho lúc này khiến ông nhớ lại Arsenal do mình dẫn dắt trong quá khứ. Điều đó không có nghĩa là các Gooner phải từ bỏ phong cách thi đấu đang gắn liền với thương hiệu Arsenal ở kỷ nguyên hiện đại, nhưng cũng nhắc nhở Wenger rằng để vô địch Premier League, ông cần một sự hòa trộn hoàn hảo giữa tốc độ, sức mạnh, lòng quyết tâm và cả một chút thủ đoạn nữa.
“Pháo thủ” từng rất được kỳ vọng khi đánh bại hai “đại gia” thành Manchester ngay tại Old Trafford và Etihad, nhưng bất chấp sự trưởng thành nhanh đến khó tin của Francis Coquelin, bất chấp sự chắc chắn bất ngờ của hàng thủ Arsenal ít tuần gần đây, hai yếu tố sức mạnh và lòng quyết tâm họ sở hữu vẫn ở một đẳng cấp thấp hơn hẳn so với Chelsea.
Với Arsenal trong quá khứ, chẳng có gì sai nếu như “đặt một chiếc xe bus trước khung thành” khi cần thiết. “Có những trận bóng đá thực thụ, nhưng cũng có những cuộc chiến mà bạn buộc phải thắng. Cách thắng không quan trọng, miễn là bạn phải thắng”, cựu thủ quân Vieira của đội bóng Bắc London khẳng định.
Thật trớ trêu, nhưng nếu muốn có cơ hội giành các danh hiệu lớn (xin mạn phép không coi FA Cup là một danh hiệu lớn) ở mùa giải tiếp theo, “Pháo thủ” cần phải học hỏi từ chính Chelsea “tẻ nhạt” của Mourinho. Khi cần, Arsenal cũng phải biết chơi “tẻ nhạt”, nếu không muốn tiếp tục thất thế ở cả Premier League lẫn Champions League.