Càng đáng nói hơn, khi đây là “bất ngờ 2-0”, trong bối cảnh tuyệt đại đa số các trận đấu phân thắng bại tại
World Cup 2018 chỉ có cách biệt 1 bàn. Cay đắng cho Hàn Quốc ở chỗ: họ là tác giả của cú bất ngờ lớn nhất giải, nhưng họ đâu có đi tiếp!
Bất ngờ là một thuộc tính quan trọng của môn bóng đá. Không có bất ngờ, cuộc chơi gần như chắc chắn là sẽ không hay. Khổ nỗi, không phải bất ngờ nào cũng đồng nghĩa với sự hấp dẫn, cũng làm cho giải đấu hay hơn. Croatia lọt vào chung kết là một bất ngờ? Vậy, xin hỏi lại: chỗ của Croatia trong trận chung kết phải thuộc về đội nào thì mới hợp lý? Toàn bộ “nhánh dưới” gồm 8 đội của giai đoạn knock-out, chỉ có mỗi
Tây Ban Nha là đáng kể. Đội này về nước ngay sau trận knock-out đầu tiên, vì thua Nga trên chấm 11m, nhưng đấy không bao giờ là một kết quả “phản chuyên môn”. Tây Ban Nha quá kém khi cứ giữ bóng miết mà không biết phải làm gì - thậm chí không thể gợi lên một câu trả lời cho khán giả trung lập: vì sao họ phải giữ bóng. Đối thủ cuối cùng của Croatia trước ngưỡng cửa chung kết là đội tuyển Anh. Quá rõ ràng: tiến được đến vòng đấu ấy đã là thành công mỹ mãn của quê hương bóng đá.
Ở một mức độ nào đó, có thể khẳng định: đây là kỳ World Cup gần như không có bất ngờ. Và đấy chính là lý do vì sao chiếc cúp thuộc về bóng đá châu Âu ngay từ sau vòng tứ kết. Bóng đá bây giờ không còn dành bao nhiêu chỗ cho sự ngẫu hứng hoặc giá trị cá nhân nữa. Tất cả phải là chuyên môn, là khoa học. Có nghĩa, châu Âu sẽ phải thống trị giải đấu lớn nhất. Nếu như lại có một đội châu Âu vô địch World Cup 2022 thì điều đó có nghĩa là đại diện châu Âu vô địch World Cup suốt 20 năm liên tiếp. Đấy là điều trước đây người ta thậm chí không dám nghĩ đến - chứ khoan bàn rằng có hay không.
Brazil thua Bỉ vì, xét tổng thể, họ chẳng hơn ở chỗ nào. Cụ thể hơn thì Brazil không có trụ cột giữa sân Casemiro, từ đó suy yếu cả về tấn công lẫn phòng ngự. Argentina thua Pháp ở vòng 1/8, nhưng lẽ ra Lionel Messi và đồng đội còn không được góp mặt ở vòng đấu ấy. Uruguay cũng thua Pháp, về mọi mặt, trong trận đấu chênh lệch nhất của toàn bộ giai đoạn knock-out.
Bất ngờ là gì? Khi mà xét trên nguyên tắc, đội nào cũng có thể thắng thì đấy không còn là bất ngờ nữa. Khi tình trạng “toàn cầu hóa” khiến tân binh Iceland cũng được đánh giá chẳng thua bao nhiêu so với đại diện của quê hương bóng đá (Anh), khi mà Brazil lừng lẫy danh tiếng thật ra chưa chắc đã bằng đội Bỉ trong những cuộc so đọ tài năng cá nhân, thì World Cup bây giờ thật ra đã không còn dành bao nhiêu chỗ cho bất ngờ rồi. Càng không thể có bất ngờ khi FIFA cố gắng đưa thêm công nghệ VAR vào khâu cầm cân nẩy mực.
Thuộc tính bất ngờ của môn bóng đá ngày càng bị bóp nghẹt trong khi lẽ công bằng chưa chắc đã tăng lên. Và, khi bất ngờ xảy ra, như chuyện
Đức thua Hàn Quốc, thì xin nhắc lại: đấy lại là kết quả tồi tệ, hơn là một điều thú vị. Đức thua, hơn là Hàn Quốc thắng. Cùng với cơ man chi tiết thuộc về “con người”, kết quả chuyên môn khá tẻ nhạt tại giải năm nay đang góp phần kéo lùi giá trị chuyên môn World Cup. Buồn, nhưng cứ phải nói huỵch toẹt như thế!