Thật khó để so sánh giữa 2 VĐV của hai môn thể thao khác nhau, tuy nhiên, họ vẫn có những đặc điểm chung là những gã khổng lồ của Olympic.
>>> Tia chớp" Usain Bolt lần thứ 3 giành HCV Olympic chạy 100 m
Michael Phelps lớn hơn Usain Bolt 1 tuổi. Xuất phát để trở thành huyền thoại của kình ngư người Mỹ cũng sớm hơn, khi từ Olympic Athens 2004 tay bơi đến từ Baltimore (Mỹ) đã giành 6 HCV. Bolt phải tới Olympic Bắc Kinh 2008 mới đoạt 3 HCV. Số huy chương của Phelps nhiều hơn, vì tranh tài nhiều nội dung.
Michael Phelps trước khi có thêm 6 huy chương trên đất Brazil là huyền thoại bơi lội thế giới, với 22 HCV tại các kỳ Thế vận hội. Usain Bolt có 6 HCV từ Olympic Bắc Kinh 2008 tính đến trước khi giành thêm 1 HCV tại
Olympic Rio 2016 nội dung 100 m. So sánh số huy chương giữa Phelps và Bolt rất khập khiễng, song, cả hai đều xứng đáng với dáng vóc "Những Titan của Olympic hiện đại".
Bolt (trái) và Phelps là những tượng đài của Olympic hiện đại.
Giữa Phelps và Bolt mỗi người tạo ra cho mình nấc thang đối chiếu với sự vĩ đại riêng. Với Phelps, số HCV của anh trở thành kỷ lục bất khả xâm phạm. Tên tuổi kình ngư này đã đi vào lịch sử và không có tay bơi nào so sánh được, dù cho đó là Mark Spitz huyền thoại từng giành 7 HCV tại Olympic 1972.
Trên New York Times, cây bút Christopher Clarey phân tích, sự vĩ đại của Michael Phelps ngoài số huy chương giành được còn nằm ở khát khao thể hiện qua các kỳ Thế vận hội. Ngai vàng của Phelps không hề bị lung lay từ Athens đến Bắc Kinh. Anh thậm chí còn thi đấu thêm 2 kỳ Olympic nữa, và tới 31 tuổi mới chịu giải nghệ. Điều này ấn tượng hơn Mark Spitz, người giải nghệ ở tuổi 22.
Trong khi đó, huyền thoại điền kinh Jesse Owens chỉ dự mỗi kỳ Olympic Berlin 1936. Nhìn sang Bolt, đất Rio đã chứng kiến Thế vận hội thứ 3 liên tiếp của "Tia chớp" người Jamaica, và anh vẫn là "người chạy nhanh nhất thế giới" như cái tít được Jere Longman của New York Times viết.
Những so sánh đó khiến lời giải cho câu hỏi, giữa Phelps và
Usain Bolt ai mới vĩ đại hơn, trở nên rất khó trả lời. Cựu HLV điền kinh Mỹ, John Smith lý giải: "Thật khó để so sánh giữa thi dưới nước và trên bờ. Nhưng theo tôi, VĐV phải đối mặt với trọng lực sẽ khó hơn người đối mặt với lực cản và lực nổi dưới nước".
Rất khó để so sánh giữa Phelps và Bolt, ai mới vĩ đại hơn.
Nói như John Smith, điền kinh khó nhằn hơn bơi lội. Điều này khiến những tín đồ làng bơi lội không đồng ý. Thi đấu trái với điều kiện môi trường thông thường, tức dưới nước, luôn khó hơn những môn thi trên mặt đất vốn đã quen với sinh hoạt của con người.
Còn theo Jere Longman, thành tích của Bolt nhỉnh hơn Phelps đôi chút. Sau Olympic 2008, kình ngư người Mỹ thất bại ở cự ly 200 m bướm đã thống trị từ năm 2004. Còn "Tia chớp" chưa thua kỳ Olympic nào trên đường chạy 100 m. Lần duy nhất anh mất danh hiệu cao nhất là tại giải Vô địch điền kinh thế giới năm 2011 tại Daegu (Hàn Quốc) do phạm quy.
Michael Phelps sở hữu những điều kiện thi đấu, vinh quang mà Bolt không có. Điều tương tự cũng xảy ra với Bolt. Vì vậy, không hề tồn tại thước đo nào để so sánh giữa hai huyền thoại này, ai mới vĩ đại hơn. Có chăng đó là lối sống. Phelps từng gục ngã sau Olympic London, anh lạc lối và rồi hồi sinh. Di sản của kình ngư 31 tuổi như kho báu đầy nhân văn.
Tại Rio, tay bơi đã lên chức bố giành những HCV không chỉ nhờ nỗ lực cá nhân, mà còn là ý chí không ngừng vươn lên. Với Bolt, di sản anh để lại sẽ là những gì, ngoài những tấm huy chương?
"Điều đó còn tùy vào Bolt làm gì với cuộc sống sau Olympic Rio", sử gia Olympic, David Wallechinsky kết luận rất ý vị về so sánh giữa Phelps và Bolt.