Từ “bom xịt” Memphis Depay đến câu chuyện bóng đá Hà Lan

10-02-2017 09:34
Bóng đá Hà Lan những năm gần đây dường như đang đi vào cơn suy thoái khi gần như không sản sinh ra thêm cầu thủ nào xứng tầm huyền thoại.
>>> Kháng cáo thất bại, Suarez nhận thêm án kỷ luật

Hai năm trước, Depay là một trong những cầu thủ tấn công biên xuất sắc nhất Hà Lan. Anh đá như dạo chơi tại Eredivisie (giải VĐQG Hà Lan) cùng PSV trước khi gia nhập M.U ở tuổi 21, Hè 2015. Tại thời điểm đó, với mức phí 25 triệu bảng, nhiều người đã nghĩ Quỷ đỏ vớ bở khi tìm được "người kế thừa chiếc áo số 7 hoàn hảo". Nhưng tháng trước, Man United vừa phải tống khứ Depay sang Lyon mà có lẽ tin rằng họ sẽ không bao giờ kích hoạt điều khoản được phép mua lại tiền vệ này. Và câu chuyện của Depay không phải là cá biệt duy nhất với những cầu thủ Hà Lan đã có chút tiếng tăm.

Mùa Hè năm ngoái, Vincent Janssen là chân sút tài năng hàng đầu của Hà Lan. Anh ghi bàn ở Eredivisie dễ như thò tay vào túi lấy đồ, trước khi chuyển sang Tottenham ở tuổi 22. Nhưng cả 4 bàn ít ỏi mà Janssen ghi cho Spurs đến lúc này đều từ những quả phạt đền. 

Có lẽ, sau Depay và Janssen, các CLB nước ngoài chắc chắn sẽ rất cảnh giác mỗi khi nghe giới thiệu về một “cầu thủ xuất sắc của Hà Lan”. Nhưng liệu có sai sót nghiêm trọng nào đó trong hệ thống đào tạo trẻ trứ danh của xứ sở những cối xay gió?
 
Vua phá lưới Eredivisie (Giải VĐQG Hà Lan)

Mùa 2014/15: Memphis Depay (PSV) - 22 bàn

Mùa 2015/16: Vincent Janssen (AZ Alkmaar) - 27 bàn

Chẳng nói đâu xa, mới chỉ 15 năm trước, đất nước này vẫn là cái nôi của những tài năng xuất chúng. Nhưng hiện tại hàng xóm Bỉ mới là nơi các tuyển trạch viên đổ xô đến. Đội tuyển Hà Lan thậm chí còn không được tham dự vòng chung kết EURO 2016. Mọi thứ dường như đều chống lại đất nước hoa tulip. Nhưng ít ra có một thứ ủng hộ họ. Đó là địa lý: Hà Lan đang ở cạnh Đức - quốc gia cách tân mạnh mẽ nhất trong nền bóng đá hiện đại.

Trong phần lớn giai đoạn từ 1970 đến 2010, Hà Lan là đất nước cách tân nhất đối với môn thể thao Vua. Họ đi tiên phong  ở hầu hết mọi lĩnh vực trong bóng đá. Trước khi các nước kịp nhận ra một phong cách, triết lý thú vị nào đó, Hà Lan đã đưa nó lên một tầm cao mới. 

Hệ thống đào tạo trẻ của họ tốt đến mức các sản phẩm hàng đầu đủ sức gia nhập mọi CLB lớn ở nước ngoài. Hãy nghĩ về Clarence Seedorf, Edgar Davids, Patrick Kluivert, Van der Vaard, Van Persie, Wesley Sneijder hay Arjen Robben... Nhưng vấn đề muôn thuở của những người đứng đầu đó là họ sẽ dễ dàng trở nên thỏa mãn. Người Hà Lan đã ngừng vận động - cây bút Simon Kuper phân tích trên ESPN.

Johan Cruyff, người phát triển bóng đá tổng lực cho Hà Lan cùng Rinus Michels, từ chối mọi nỗ lực cải tiến nó. Ông bảo thủ đến mức luôn luôn phải là các cầu thủ thuận chân trái đá cánh trái và thuận chân phải đá cánh phải, họ phải chơi đúng khu vực được giao và chờ đợi những đường chuyền.


Huyền thoại Johan Cruyff, một trong những người phát triển bóng đá tổng lực cho Hà Lan

Nếu có ai đó mách với Cruyff các nước khác đang tập trung cải thiện thể lực, ông chẳng thèm lắng nghe. Như ban nhạc huyền thoại ABBA, bóng đá Hà Lan muốn sống mãi mãi ở những năm 1970, bất cần và quay lưng với thời đại. Đó là lý do khi trung vệ Stefan de Vrij được gọi vào đội tuyển Hà Lan vài năm trước, anh nhận ra đối tác ở trung tâm hàng thủ - Ron Vlaar, nhìn mình như thể mình đến từ đất nước khác. 

Nếu Vlaar là một lực sĩ thì De Vrij chỉ là một chú nhóc yếu ớt. Mọi tiền đạo đều có thể đẩy ngã anh. Ở CLB Feyenoord tại quê nhà, De Vrij không được chú trọng vào thể lực nên anh bắt đầu tự tập thêm trong thời gian rảnh. Khi Feyenoord phát hiện ra, CLB bắt anh từ bỏ “nhu cầu” chính đáng ấy.

Rất nhiều cầu thủ trẻ có thể là ngôi sao ở Eredivisie. Nhưng khi ra nước ngoài họ mới biết mình hoàn toàn chưa sẵn sàng để thi đấu đỉnh cao. Rory Campbell, giám đốc phân tích kỹ thuật tại West Ham, cho biết những số liệu thống kê ở Eredivisie gần như chẳng nói lên điều gì, thậm chí giải VĐQG Bỉ còn giá trị hơn. Campbell cho rằng giải VĐ Hà Lan quá chậm và cầu thủ luôn thừa thời gian để xử lý bóng. Vì vậy, Depay bị sốc và nhanh chóng bị Ngoại hạng Anh "nuốt chửng".

Mùa giải này, Eredivisie chào đón trở lại của những Marco van Ginkel (Chelsea), Siem de Jong và Tim Krul (Newcastle), Alexander Buttner (Dynamo Moscow), Ricky van Wolfswinkel (Norwich), Steven Berghuis (Watford), Kevin Diks (Fiorentina), Ouasim Bouy (Palermo)… Không ít trong số này từng được kỳ vọng sẽ trở thành những cầu thủ kiệt xuất.


Hầu hết các cầu thủ như Wijnaldum trước khi chuyển đến Anh thi đấu đều phải “rèn luyện” vài năm ở các giải đấu khác

Nhưng vấn đề không chỉ thấy với cầu thủ, ngay cả HLV Hà Lan cũng chẳng có nhu cầu ra “biển lớn”. Ronald Koeman của Everton là nhà cầm quân Hà Lan duy nhất ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Ông đã 53 tuổi và trải qua phần lớn sự nghiệp ở Tây Ban Nha. 

Hiện tại, chỉ có vài đại diện hiếm hoi mang lại thành công cho Hà Lan ở bên ngoài. Đó là Georginio Wijnaldum (Liverpool), Virgil van Dijk (Southampton) và Marten de Roon (Middlesbrough) nhưng cả ba mất rất nhiều thời gian để đạt đến độ “chín” trước khi đến giải Ngoại hạng.

Wijnaldum chơi 8 năm ở Eredivisie trước khi gia nhập Newcastle vào 2015. Van Dijk (Celtic) và De Roon (Atalanta) đều trải qua bước đệm khác nhau mới dám tới Anh. Trong một lần phỏng vấn, De Roon nhận xét "tốc độ ở giải Ngoại hạng nhanh gấp 10 lần ở Hà Lan và 3 lần ở Ý". Sự chênh lệch đẳng cấp là khổng lồ”. 

Có lẽ, đã đến lúc Hà Lan cần phải phải tỉnh giấc như Bỉ cách đây một thập kỷ. Bỉ có may mắn được bao bọc bởi Pháp, Đức và Hà Lan. Họ cực kỳ thuận lợi trong việc học tập và triển khai dựa theo mô hình phát triển của những nước láng giềng có nền bóng đá mạnh này. Ngày nay, Hà Lan cũng cần học hỏi từ bên ngoài, đặc biệt là Đức - nước có chung đường biên giới và bóng đá đang ở giai đoạn thịnh vượng.


Người Hà Lan có lẽ phải học ngay chính người hàng xóm của mình - Đức nếu muốn tìm lại vị thế của mình trên bản đồ bóng đá thế giới

Ở Đức người ta đưa ra những câu hỏi mà không ở đâu có. Ví dụ: Tại sao Đức hay Bayern Munich lại cần thủ môn khi cả trận họ chỉ phải đối mặt với vài cú sút? Không phải là tốt hơn nếu thủ môn trở thành một trung vệ và chỉ quay về khung thành ở những tình huống hiếm hoi bị tấn công?

Và kể từ khi các bàn thắng có xu hướng đến từ những lần mất bóng của đối phương bên phần sân nhà hơn là do đội mình mất thời gian tổ chức tấn công, tại sao không... trao trái bóng cho đội bạn theo cách có chủ đích rồi giành lại nó? Người Đức có thể không tự mình trả lời những câu hỏi này, nhưng ít ra dám đặt ra những câu hỏi điên rồ ấy. Giờ thì họ biết chức vô địch thế giới 2014 chỉ còn là dĩ vãng.

Nếu như muốn lại trở thành cái nôi của bóng đá châu Âu, hoặc ít ra là bứt khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại, người Hà Lan cần kiểu cách mạng táo bạo như vậy.
Tùng Linh/ theo TH

Bóng đá cập nhật từng giây - nhận định chuyên gia

VIDEO BÀN THẮNG • BÓNG ĐÁ ANH • BÓNG ĐÁ TÂY BAN NHA • CÚP CHÂU ÂU • CHUYỂN NHƯỢNG . BÓNG ĐÁ ĐỨC • BÓNG ĐÁ ITALIA • BÓNG ĐÁ PHÁP • GIAO HỮU QUỐC TẾ • ĐỘI TUYỂN QUỐC GIA • NGÔI SAO & BÊN LỀ • GÓC BLV QUANG HUY • TOP BÀN THẮNG ĐẸP • WAGS

Nhận định bóng đá hôm nay

Nhận định bóng đá trong ngày

Nhận định bóng đá đêm nay

nhận định bóng đá miễn phí

Ban Thang Dep

Đóng
close
Joe Doe The Example Company 604-555-1234 [email protected]