Hình ảnh HLV Steve McClaren với chiếc ô bảy màu ở trên đầu sau đó được nâng lên tầm biểu tượng, nó hiện thân cho tất cả những gì yếu đuối nhất, mong manh nhất, nhưng lại sặc sỡ nhất của đội tuyển xứ sương mù.
Hôm đó, cũng là đêm cuối của Thế hệ vàng mà ĐT Anh từng sản sinh ra. Khi kể ra đây những cái tên của giai đoạn 2004-2008, ta sẽ hiểu ĐT Anh đã mất những gì. Họ là: David Beckham, Gary Neville, Sol Campbell, Michael Owen, Frank Lampard, Steven Gerrard, Rio Ferdinand, John Terry, Joe Cole, Ashley Cole, và Wayne Rooney.
Tại sao, với những cái tên như vậy, lại rơi vào cái năm M.U lên ngôi ở Champions League, thì ĐT Anh thậm chí không qua nổi vòng loại? Chúng ta hiểu một điều cơ bản, rằng một ĐTQG mạnh thì phải có một giải VĐQG mạnh. Thế điều gì đã xảy ra với Tam sư, trong những ngày Premier League thống trị thế giới ở mọi bình diện từ thành tích đến cả sức hút (2005-2009), thì ĐT Anh lại thất bại?
Câu trả lời nằm ở chiến thuật.
ĐT Anh với Thế hệ vàng đã chơi thứ chiến thuật chậm hơn một bậc so với các đội tuyển khác, và thậm chí chậm hơn cả những CLB vinh quang của họ. Nhìn lại ngày đó, Tam sư đã đá theo đúng kiểu Anh truyền thống, qua cách HLV bố trí Gerrard - Lampard ở giữa sân, Joe Cole cánh trái và Beckham cánh phải, tất cả đưa bóng vào trong cho cặp tiền đạo Owen - Rooney. Phong cách bóng dài, tạt bóng và chơi 4-4-2 đầy hoàn hảo và…cổ lỗ sĩ.
Sự thất bại trong chiến thuật của ĐT Anh ngày đó còn minh chứng qua việc Sven-Goran Eriksson làm HLV trưởng. Thường thì đối với một nền bóng đá lớn, chẳng hạn Brazil, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Italia, Argentina,... đều dùng HLV nội. Nền bóng đá lớn đào tạo nên các HLV lớn. Nhưng còn ở Anh thì các HLV bản địa giỏi là cực hiếm (hãy để ý quốc tịch 6 HLV của nhóm Big Six). Do đó họ phải vời những HLV ngoại, hoặc một HLV nội kém trình độ.
Sự thất bại hiện thân qua câu chuyện Frank Lampard và Steven Gerrard. Hai cầu thủ này mà để riêng thì sẽ cầm trịch cả đội bóng, và đương nhiên hiệu quả sẽ phát huy 100% như Lampard làm cho Chelsea năm 2004, hay Gerrard - Liverpool năm 2005. Nhưng người Anh đã cưỡng cầu cho họ ở cạnh nhau, vô tình triệt tiêu nhau, và cuối cùng “bổ quá hóa độc”. Nếu ngày đó, chỉ cần một HLV dũng cảm sử dụng Owen Hargreaves và loại một trong hai người Gerrard hoặc Lampard, thì mọi sự có thể đã khác.
Ngoại hạng Anh hôm nay thì sao? Hai năm qua, Ngoại hạng Anh đã dành tặng cho ĐT Anh quá nhiều món quà, mà nếu Gareth Southgate không biết cách tận dụng, thì sự tiếc nuối phải ngang ngửa với việc ĐT Anh lần thứ hai chết Thế hệ vàng. Premier League đang là đất anh tài hội tụ, với 6 HLV giỏi hàng đầu thế giới.
Giá trị của 6 HLV này ngang với Thế hệ vàng cầu thủ ngày xưa, bởi họ đại diện cho những phát kiến chiến thuật lớn nhất thập kỷ qua của bóng đá thế giới. Đây chính là nhóm người bổ sung cho cái lạc hậu của xứ sương mù về chiến thuật bao năm nay. Chẳng hạn nhìn Italia thi đấu ở EURO 2016 với đội hình không ngôi sao, ĐT Anh có chạnh lòng? Bây giờ họ có Antonio Conte đấy. Nếu thích thực dụng, có Jose Mourinho dạy cho. Còn nếu về nghệ thuật kiểm soát bóng, còn ai hơn Pep Guardiola?
Trên đời này, biết tận dụng cơ hội cũng là một tài năng.