Pep Guardiola đã có rất nhiều thời gian chuẩn bị cho ngày chia tay Bayern. Ông lại đứng trước một trận chung kết và đối thủ lại là Dortmund. Trận đấu cuối cùng của Pep là thời điểm hợp lý để người ta đánh giá lại toàn bộ di sản mà ông để lại ở nước Đức.
>>> Pep Guardiola và nỗi ám ảnh quê hương
Năm 2013,
Pep Guardiola đến Bayern trong ánh mắt nghi hoặc của tất cả. Người ta tự hỏi, ông có thể làm gì để Hùm xám hay hơn nữa sau một cú ăn ba thần thánh dưới thời Jupp Heynckes? Pep đến nước Đức như một nhà truyền giáo, hồng truyền thứ tôn giáo Tiqui Taca.
Ông đập đi phá lại hầu như toàn bộ những gì thuộc về dấu ấn người tiền nhiệm. Ông thử nghiệm hàng chục đội hình, chiến thuật, kéo Philipp Lahm lên đá giữa, dồn David Alaba vào trung lộ như một trung vệ, giật Thomas Muller về vòng tròn trung tâm... Pep hiểu rằng mình buộc phải tạo ra khác biệt, kể cả khi người Bayern không muốn thế.
Lần đầu tiên Pep dẫn Bayern chinh chiến ngoài thực địa là trận tranh Siêu Cúp với Dortmund. Đó xứng đáng là trận đấu lớn nhất nước Đức nhưng cũng là kỷ niệm chẳng đẹp đẽ gì với Pep. Đội bóng của ông bị đối phương đè bẹp 4-2. Tham vọng của Pep bị giáng một đòn đau.
Ba năm sau, lại chính Dortmund là người tiễn đưa Pep. Nhưng cuộc chiến này với Pep đã không còn nhiều ý nghĩa. Thắng hay thua nó cũng không thể khiến người ta thay đổi cách nhìn về triều đại 3 năm mất nhiều hơn được của ông ở Bayern.
Dưới thời của Pep, phòng truyền thống của Bayern chưa từng thiếu những chiếc cúp, từ Đĩa bạc Bundesliga, Siêu Cúp tới Cúp Quốc gia, FIFA Club World Cup... Chỉ riêng Champions League thì vẫn mãi lẩn tránh ông. Phải chăng bởi vì ở Barcelona trước đây, ông đã có được nó quá nhiều lần?
Cũng chỉ vì chiếc cúp còn thiếu ấy mà thời gian Pep ở Bayern bị đánh giá không công bằng. Khi đội bóng liên tiếp thống trị Bundesliga, thường vô địch sớm vài vòng đấu, người ta bảo Pep chỉ là kẻ ăn mày dĩ vãng, thừa hưởng một đội hình quá chất lượng, vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại, muốn gì được nấy. Khi Bayern thất bại, h
ọ không ngần ngại gọi ông là kẻ thất bại đang phá hoại Bayern.
Di sản đầy tranh cãi ấy của Pep ở Bayern đã tốn không biết bao giấy mực của báo giới. Nhưng nhìn cái cách Bayern ung dung vô địch sớm liên tiếp 3 mùa, giành đủ loại cúp ở nước Đức rồi năm nào cũng lọt vào tới bán kết Champions League, ai dám bảo họ là một tập thể thất bại?
Khi bổ nhiệm Pep thay thế Heynckes, ban lãnh đạo Bayern chắc chắn muốn xây dựng đội bóng một cách lâu dài chứ không phải “ăn xổi ở thì”, mùa mùa mua sắm sao khủng và giành hết chiếc cúp này đến chiếc cúp khác.
Khi Pep đến, Bayern vừa mới giành cú ăn ba. Cầu thủ đã no nê danh hiệu, khán giả cũng đã thỏa mãn. Vậy họ còn cần ông ăn ba một hay vài lần nữa như thế để làm gì? Pep, ở một chừng mực nào đó, đã đặt được dấu ấn rất riêng lên Bayern. Họ chơi uyển chuyển, mượt mà, kết hợp ngày càng hoàn hảo hơn giữa bóng bổng và bóng sệt, một phiên bản nâng cấp của Tiqui Taca.
Thứ bóng đá mà Bayern chơi rất giống những gì đang diễn ra ở ĐT Đức. Ai dám bảo chức vô địch World Cup của người Đức không có phần đóng góp của Bayern, không có phần đóng góp của chính Pep?
Ở Bayern, Pep có vẻ như đã quá quen với những đánh giá bất công như thế. Phải chăng, khi không còn được làm sứ mạng của mình, Pep mới dứt áo ra đi? Ông không đến Bayern để giành danh hiệu. Ông đến để tôn vinh cái đẹp, để tạo ra một thứ “tôn giáo bóng đá” như cái cách mình từng làm ở Barcelona trong quá khứ.
Đêm nay, nếu Pep và các học trò đánh bại Dortmund và giương cao cúp trên bục vinh danh, không dám chắc rằng họ sẽ không phải nhận những cái bĩu môi dè bỉu kiểu: “Tưởng gì! Ở nước Đức, Bayern vô địch là chuyện quá bình thường!”.