Thể thao Việt Nam đã có một kỳ Thế vận hội thành công rực rỡ với 1 tấm HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.
>>> Olympic 2016: Thế vận hội thành công nhất lịch sử thể thao hiện đại
Tham dự bằng lực lượng đông nhất từ trước đến nay đồng thời chắc chân trong 50 hạng đầu nhờ HCV lịch sử ở môn bắn súng, thể thao Việt Nam đã tiến một bước rất dài nhưng còn lắm việc cần làm.
Không phải nhân vật được kỳ vọng nhất nhưng xạ thủ
Hoàng Xuân Vinh lại mang về thành tích chói sáng chưa từng có trong lịch sử thể thao Việt Nam (TTVN). Chỉ tiêu “chỉ cần có huy chương” của cả đoàn được hoàn thành theo cách bất ngờ nhất, hơn hẳn tổng thành tích 2 HCB của tất cả những lần tham dự Thế vận hội trước đó.
Người hùng Hoàng Xuân Vinh mang về 1 tấm HCV, 1 HCB
Ánh vàng lấp lánh từ tấm huy chương lịch sử của môn bắn súng không đủ che lấp bộn bề những công việc cần làm của TTVN trong bối cảnh chúng ta không thể hài lòng, tự vỗ về mình với những chỉ tiêu nhỏ nhoi ở “ao làng” SEA Games, Đông Nam Á.
Cử tạ là môn được kỳ vọng nhiều nhất với 2 gương mặt từng tỏa sáng ở Giải Vô địch thế giới cách đây một năm là Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền. Huyền thất bại trong cả 3 lần cử giật còn Tuấn nối bước với thất bại trong cả 3 lần cử đẩy? Tâm lý thi đấu của Kim Tuấn không phải là vấn đề đáng quan tâm bởi đừng quên anh từng giành HCB Á vận hội, giành HCV thế giới cũng trước chính những đối thủ quen thuộc như Om Jun-chol hay Wu Jingbiao…
Thạch Kim Tuấn gây thất vọng ở môn cử tạ
Dường như không ai dám nhìn nhận những bất cập trong quá trình đầu tư cho Kim Tuấn mà cụ thể là không kiên quyết chạy chữa chấn thương cho anh khi Olympic quá cận kề. Cả Tuấn và Huyền vẫn còn khá trẻ, đủ sức chinh chiến ở vài kỳ
Olympic tới, vì thế, đầu tư ra sao cho cử tạ là điều đáng bàn.
Tập trung thi đấu 3 cự ly thế mạnh, khó có thể nói Nguyễn Thị Ánh Viên thất bại ở lần thứ nhì tham dự Olympic. Cô kình ngư 19 tuổi này đã hoàn thành nhiệm vụ ở nội dung 400 m hỗn hợp khi vượt thành tích của chính mình ở World Cup 2015 và SEA Games 2015. Chỉ có điều, các đối thủ đã tiến bộ quá nhanh nên mục tiêu vào chung kết ít nhất một cự ly của cô không thành hiện thực.
Mong Ánh Viên lập đại công tại Olympic là chuyện không tưởng và những chuyến cọ xát quý giá như thế đã làm vỡ ra nhiều điều cho bơi lội Việt Nam khi cùng với Ánh Viên, hy vọng vẫn có thể được đặt vào ngôi sao nhỏ Phương Trâm. Hoàng Quý Phước một thời được đánh giá cao không kém J.Schooling nhưng thành tích ngày một đi xuống của anh cần phải được nhanh chóng “mổ xẻ”, có giải pháp khắc phục để giữ chân tài năng có một không hai miền sông Hàn này.
Ánh Viên thất bại ở lần thứ nhì tham dự Olympic
Ngoài 3 bộ môn kể trên, thành viên 7 đội tuyển còn lại hầu hết đều thi đấu dưới sức, trong đó trường hợp của VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền rất đáng được lưu tâm. Từ một “hiện tượng” của SEA Games 2015, cô không được quan tâm đến nơi đến chốn, buông lỏng kỷ luật tập luyện, lơ là với mục tiêu phấn đấu tại Olympic và kết quả thi đấu của cô không khó để dự báo.
Thành tích đi bộ của Nguyễn Thành Ngưng vượt xa thông số tại SEA Games 2015; 2/4 kiếm thủ giành được một trận thắng; TDDC với Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng có mặt trong Top 15 là thành tích có thể chấp nhận được, tương tự là bộ đôi tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang; võ sĩ judo Văn Ngọc Tú; bộ đôi tuyển thủ rowing Hồ Thị Lý - Tạ Thanh Huyền…
Xét tổng thể, cả 10 bộ môn đều xứng đáng được tái đầu tư để chuẩn bị cho Tokyo 2020. Ngoài ra, nhiều bộ môn được xem là thế mạnh của TTVN đang được xem xét để đưa vào chương trình thi đấu ở kỳ Olympic sau 4 năm nữa, như cờ vua, billiards snooker, karatedo, wushu… Cơ hội đang mở ra cho TTVN và vấn đề là chúng ta sẽ đón nhận, chuẩn bị ra sao để tìm kiếm những thành công như HCV của Hoàng Xuân Vinh.
Thanh Hương/ theo Tổng hợp