Không có nhiều người tin rằng Hà Lan lách được qua khe cửa hẹp để lấy được tấm vé dự play-off khi họ kém Thổ Nhĩ Kỳ 2 điểm trước khi hai lượt trận cuối cùng diễn ra. Sự thực diễn ra đúng như với điều tất cả đã dự đoán, nhưng nhìn cái cách mà thầy trò Blind tự phá hỏng hy vọng của mình, nỗi thất vọng vì sự sụp đổ hình ảnh của Hà Lan còn lớn hơn cả việc họ không được đến Pháp mùa hè sang năm.
Cái cách Hà Lan bước vào trận đấu với CH Czech không phải là của một đội bóng đứng trên ranh giới sinh tử và có tinh thần chiến đấu để chiến thắng định mệnh. Họ không hề tin vào một điều kỳ diệu sẽ xảy ra trên sân của Iceland và tự buông xuôi ngay trước mắt các CĐV nhà. Thật khó tin rằng những chiếc áo da cam bạc nhược đó đã rực sáng ở Brazil mới cách đây hơn 1 năm để chiếm ngôi đệ tam thế giới.
Những gì xảy ra trong trận đấu cuối cùng tại vòng loại chính là bản tổng kết cho màn trình diễn nghèo nàn của Hà Lan trong cả một quá trình. Một hàng thủ liên tục mắc sai lầm, hàng công quá ít phương án tiếp cận khung thành đối phương, sự già cỗi của các trụ cột và cả những non nớt của thế hệ kế cận.
Từ năm 1980, Hà Lan đã 5 lần vắng mặt ở các giải đấu lớn (World Cup 1982, 1986 và 2002; các Euro 1984, 2016). Điều dễ nhận thấy là mỗi lần vắng mặt này đều trùng với quá trình chuyển đổi thế hệ của Oranje. Sau Euro 1980, thế hệ vàng từng hai lần giành ngôi á quân thế giới tại World Cup 1974 và 1978 của những Johan Cruyff, Rob Rensenbrink, Johan Neesken… lần lượt rời đội tuyển. Hà Lan bỏ lỡ liền 3 giải đấu lớn và chỉ đến khi một thế vệ vàng mới với nòng cốt là bộ ba Gullit – Rijkaard – Van Basten xuất hiện, họ mới trở lại và lập tức vươn lên đỉnh cao với chức vô địch Euro 1988.
Năm 2002 cũng là một thời điểm chuyển giao quan trọng của Hà Lan. Đó là thời điểm một loạt các thành viên trụ cột của ĐT từng vô địch Champions League với Ajax như anh em De Boer, Cocu, Overmarc… đã có tuổi và không giữ được phong độ tốt; trong khi ngôi sao sáng nhất là Dennis Bergkamp từ giã ĐT. Việc không được dự World Cup 2002 tạo điều kiện cho một loạt tài năng trẻ được ra mắt và dần dần giữ vị trí trụ cột như Sneijder, Van der Vaart, Robben, Van Persie
Qua thời gian, lứa của Robben, Sneijder và Van Persie đều đã trở thành lão tướng. Việc vẫn phải dựa vào những trụ cột đã qua thời đỉnh cao là một nguyên nhân khiến Hà Lan chơi không thành công. Nhiều khả năng sau khi Hà Lan bị loại khỏi Euro 2016, những cầu thủ này cũng sẽ chia tay Oranje để dọn đường cho một thế hệ mới. Trong hai trận đấu cuối cùng của Hà Lan với Iceland và CH Czech, một loạt các cầu thủ trẻ như Kenny Tete, Jairo Ridgewald, Jeffrey Bruma, Anwar El Ghazi… đã được sử dụng.
Tất nhiên, người Hà Lan khó có thể chờ đợi một thế hệ mới có sự đồng đều và các ngôi sao ở mọi tuyến. Chỉ cần hai, ba người trong số các tài năng trẻ hiện tại vươn lên đẳng cấp của Van Persie, Sneijder và Robben là đủ để Oranje quay trở lại vị thế của một đội bóng đáng được nể phục. Người Hà Lan có 3 năm để xây dựng một Oranje mới để hướng đến World Cup 2018.