Gabriel Jesus - tiền đạo Man City được ví như Cachaca, thứ rượu đặc trưng của người Brazil cho những bữa tiệc chiến thắng tại Ngoại hạng Anh.
Khi tôi mới đến City, mọi người thấy hành động này của tôi vui mắt, và họ cứ hỏi ý nghĩa của nó là gì. Và tôi cứ việc trả lời họ như vừa kể ở trên, tôi làm thế vì tôi yêu mẹ, và vì mẹ lúc nào cũng gọi tôi. Nhưng có một câu chuyện dài hơn, khởi đầu từ khi tôi còn là một cậu bé ôm ấp giấc mơ của mình.
Ở Brazil, hàng triệu trẻ em lớn lên cùng với một ước mơ. Nhưng tôi may mắn hơn nhiều người vì quen biết một vài siêu anh hùng.
Gabriel Jesus đang thi đấu đầy cảm hứng trong màu áo Man City
Nơi tôi sinh ra gọi là Peri Jardim, nằm phía bắc Sao Paulo. Cuộc sống ở đó khó khăn vô cùng. Nhưng mẹ không bao giờ để tôi phải khổ. Bà làm việc nặng nhọc để gia đình luôn được no đủ. Những đứa trẻ quanh nhà tôi không thế. Nhiều đứa cả ngày chỉ được ăn một bữa, và đó là bữa ăn trên sân bóng. Bọn trẻ tụ tập ở đó, dù không phải đứa nào cũng được đá, để ăn những phần sandwich và soda miễn phí. Thỉnh thoảng, sandwich hết và chỉ còn soda, thế là cả đám đành uống thứ nước có ga ấy cho qua bữa.
Còn tôi, tất cả những giấc mơ, tất cả những gì tôi có hiện nay khởi đầu với Clube Pequeninos. Với tôi, đó còn hơn là một đội bóng. Bạn đang nghĩ về những bãi biển và những hàng cây cọ trải dài? Đấy không phải Peri đâu. Sân bóng của chúng tôi nằm kề một nhà tù quân đội. Mặt sân không có cỏ, chỉ toàn đất và bùn, được bao quanh bởi những cây thông lớn. Ngoài bọn trẻ, chỉ có cảnh sát của nhà tù là đến đấy chơi bóng.
Năm 9 tuổi, tôi với cậu bạn Fabinho đến đó để xin vào đội. Chúng tôi đi xuyên qua cánh rừng, cắp trên tay đôi giày đá bóng. Rồi hai đứa gặp một người làm thay đổi đời mình mãi mãi: Jose Francisco Mamede, HLV của lứa trẻ nhất. Và ông nói: "Được thôi, bọn con sẽ đá trận tiếp theo".
Gabriel Jesus (đứng thứ năm từ phải qua) trong màu áo CLB đầu đời Pequeninos
Không có giấy tờ gì cả, bởi vì CLB này không hề có ý định kiếm lợi từ bọn trẻ. Đơn giản là cho chúng chút niềm vui trong cuộc sống, cho chúng thứ gì đó để ăn và kéo chúng ra khỏi những băng đảng đường phố. Pequeninos không phải là một CLB lớn, thậm chí có nhiều người mới nghe thấy cái tên này lần đầu. Nhưng để tôi nói bạn biết: nơi đây tạo ra những điều kỳ diệu.
Thỉnh thoảng bọn trẻ lại bắt xe buýt, ngồi một giờ đồng hồ, chỉ để ghé qua dùng bữa và mang về nhà canasta basica - những hộp thức ăn nhỏ mà HLV gửi về cho gia đình. Trong đó có gạo, đậu và bánh mì. Một hộp ấy cũng đủ giúp gia đình sống qua một tháng.
HLV Mamede sở hữu một chiếc Volkswagen Beetle cổ, màu trắng, chắc phải từ thập niên 1970. Ông hay lái xe chở bọn trẻ đi vòng quanh. Đám con nít nhỏ con, có thể chất đến chín, mười đứa một lượt mà vẫn còn đủ chỗ để chở thêm giày, bóng và những hộp thức ăn. Có chúng, là có tất cả. Những gì CLB làm cho đám trẻ quả thực phi thường.
Ở
Brazil, chúng tôi có một biệt danh dành cho những người như Mamede: Heróis sem capes, tức "Siêu nhân không áo choàng". Họ quả thực đã cho chúng tôi một cơ hội trong đời.
HLV Mamede là một trong những "Siêu nhân không áo choàng" chắp cánh cho sự nghiệp của Jesus
Bóng đá với tôi là tất cả, vì tôi dành trọn tình yêu cho quả bóng. Ở Pequeninos, một tuần tập chỉ hai buổi. Những khi không tập cùng đội, tôi chơi bóng trên đường phố Peri. Thỉnh thoảng, tôi đá bóng đến tận nửa đêm mới chịu nghỉ. Nhưng đã chịu về nhà đâu, đám thiếu niên tụ tập nói chuyện về lũ con gái, trêu nhau đến tận 2h sáng.
Không có nhiều việc để làm ở nhà. Bố tôi đã bỏ đi ngay khi tôi vừa chào đời, mẹ tôi một tay làm việc nuôi tôi và các anh em. Bà đi dọn dẹp thuê cho người ta trên thành phố, đến tối về bà cùng ngủ với anh em tôi trên một chiếc giường duy nhất.
Nhiều đứa trẻ mê mẩn trò chơi điện tử. Tôi chỉ mê duy nhất quả bóng. Nhờ nó mà tôi có một tuổi thơ thực sự. Chúng tôi tổ chức những giải đấu đường phố. Mỗi một con đường lập ra một đội bóng, thi đấu để tranh một thùng soda. Chỉ một thùng thôi, mà đá chết bỏ. Với đám trẻ chúng tôi, thùng soda ấy còn ý nghĩa hơn cả chiếc Cup Copa Libertadores. Bởi nếu giành Cup thật sự, bạn phải chuyền tay nó cho mọi người. Còn chiếc Cup soda, khui ra uống ngay, nó tuyệt gấp mười lần champagne.
Năm 13 tuổi, một việc vô cùng ý nghĩa xảy ra. Đội bóng Pequeninos được tham dự một giải đấu lớn tại Sao Paulo. Mọi người giật mình khi đội bóng nhỏ bé tỉnh lẻ lại có thể đá bốc đến như vậy. Ở những vòng đầu, có khi chúng tôi ăn những đội bóng lớn hơn với cách biệt 12, 13 bàn. Cứ thế, Pequeninos vào chung kết và chạm trán Portuguesa de Desportos, một đội bóng chuyên nghiệp thực sự. Sở dĩ họ tham gia giải đấu này vì muốn tìm kiếm những tài năng trẻ từ các CLB nhỏ hơn.
Với chúng tôi, trận chung kết ấy giống như đoạn kết của một bộ phim hấp dẫn vậy. Một đội bóng nhỏ bé chơi bên ngoài nhà tù sẽ được đấu với một đội chuyên nghiệp, với đồng phục xịn hẳn hoi. Nhưng tôi và các bạn đâu có ngán. "Tụi mình sẽ xử đẹp tụi nó luôn, và giành lấy cái Cup", chúng tôi bảo nhau.
Những sân bóng thô sơ, không có mặt cỏ như thế này đã có lúc cũng là niềm mơ ước của Jesus, vì phần lớn tuổi thơ, anh chỉ đá trên các con phố chật chội và gồ ghề
Nhưng đột nhiên cơn bão kéo đến. Đêm ấy, mưa to đến mức sáng hôm sau người ta tính chuyện hủy trận đấu. Nhưng rồi nó vẫn diễn ra, mặc cho cái sân bây giờ như vũng sình. Chúng tôi chạy và té bịch bịch trên sân. Không một ai chạy được quá chục bước. Vậy mà các cầu thủ Portuguesa lại chạy rất vững, chỉ vì họ có giày đinh xịn, nên bám được trên sân.
Dẫu vậy, chúng tôi vẫn căng sức ra mà đá. Kết cục là thất bại 2-4, tôi không bao giờ quên giây phút nhìn các cầu thủ Portuguesa mừng danh hiệu. Bóng đá cũng như cuộc đời vậy, làm gì có công bằng. Nhưng dẫu cho đời không đẹp, ta vẫn phải tìm ra cách để sống tiếp.
Đấy là một bài học hoàn hảo, đến vào một thời điểm hoàn hảo, bởi những năm tiếp theo trong đời tôi rất khó khăn. Ở Brazil, muốn trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, bạn phải vào trung tâm huấn luyện của các CLB chuyên nghiệp ở tuổi 12, 13. Nhưng con đường của tôi gian nan hơn người khác. Sao Paulo FC cho tôi thử việc, họ thích tôi, nhưng lại không thể bố trí chỗ ngủ cho tôi ở lại đêm. Mà nhà tôi thì quá xa, đi xe buýt hàng ngày mất nhiều thời gian và phải bỏ học. Nhưng vấn đề lớn nhất là mẹ tôi, hahaha.
Mẹ tôi đời nào chấp nhận việc tôi bỏ học. Bà luôn muốn tôi phải đến trường. Tôi nợ mẹ tôi mọi thứ trong đời. Ở Brazil, đám trẻ bình dân phải phụ giúp gia đình rất nhiều. Lam lũ cả ngày, chúng không còn thời gian để đá bóng hay đến trường. Giấc mơ đã chết ngay từ khởi đầu. Nhưng mẹ thì luôn tin tưởng tôi, nên bà không ép tôi phải làm việc, và bảo tôi hãy làm những gì mình thích.
Thế nên năm 13 tuổi, tôi đã bắt đầu chơi bóng với những người lớn tại Varzea.
Mọi người ở Sao Paulo đều đã biết Varzea là gì (và có lẽ họ đang cười khoái trá), nhưng để tôi giải thích cho mọi người hiểu.
Gabriel Jesus cách đây ba năm còn gầy còm, đi vẽ tranh cổ động World Cup 2014 trong các khu ổ chuột ở Brazil
Varzea là bóng đá phủi, giống như bóng rổ đường phố ở Mỹ hay những giải vô địch bán chuyên ở châu Âu. Sân bóng cũng toàn là bùn, và bạn phải đá với những marmanjo, tức là những tay cứng cỏi. Những trận đấu ở đây va chạm rất kinh khủng, và thường xuyên xảy ra xô xát.
Tôi không bao giờ quên được trận đấu ấy...
Đấy là một trận rất quan trọng, với một đối thủ mạnh. Họ vẫn luôn là một trong những đội mạnh nhất tại Varzea, nhưng họ vắng mặt tại giải đã vài năm vì một vài lý do mà tôi không tiện giải thích ở đây, vì bọn trẻ có thể đọc được.
Đấy là năm đầu tiên họ đá lại. Trận đấu với chúng tôi là để giành quyền dự một giải đấu lớn hơn. Tôi nhớ đám cầu thủ trưởng thành nhìn tôi trước trận theo cái kiểu: "Cái thằng oắt con này làm gì ở đây thế này? Chán sống à?".
Trận đấu trôi qua được bốn phút, tôi lừa qua hậu vệ tốt nhất của họ và ghi một bàn, tôi nhớ bọn họ đã liếc nhìn tôi kiểu như: "Được lắm nhóc, rồi bọn anh sẽ cho mày biết thế nào là đau khổ".
Thế là sau đó, cứ tôi chạm bóng là bị ăn đòn. Họ gần như phát điên, đến mức không còn muốn đá bóng nữa mà chỉ muốn đá tôi. Ở tuyến giữa, họ có một người tiền vệ rất hổ báo, gã ấy cứ chạy theo tôi và nói: "Mày lừa qua tao lần nữa là tao đạp cho gãy giò".
Thế nên khi có bóng, tôi... lừa qua gã lần nữa.
Giống như trong NBA vậy, tôi làm cho anh ta mất trụ và ngã dập mông.
Giờ thì đối thủ không còn muốn đá tôi nữa, họ muốn giết tôi luôn cho rồi.
Nhưng tôi có thể làm gì khác đây? Khi bóng đến chân tôi, tôi như lạc vào một thế giới khác. Pha bóng kế tiếp, tôi thực hiện một pha chuyền bóng không cần nhìn cho đồng đội ghi bàn.
Đám đông gần như phát điên.
Trước khi được vào đội trẻ Palmeiras, Gabriel Jesus từng phải thử lửa ở những trận bóng phủi giàu tính bạo lực
Trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2, và chúng tôi thắng sau loạt đấu súng. Đối thủ tức giận và quê độ. Gã tiền vệ hổ báo đến dằn mặt: "Tao đã nói là mày không lừa nữa cơ mà. Tao sẽ chờ mày ở bãi xe".
Gã ấy hoàn toàn nghiêm túc, và tôi đã thật sự sợ. Nhưng thật may mắn, các đồng đội đã hộ tống tôi ra về an toàn. Nhưng đâu đã hết chuyện. Giáng sinh năm ngoái, tôi trở về nhà để thăm gia đình và ghé qua ngân hàng để làm một số giấy tờ. Tôi đỗ xe hơi vào bãi và gặp gã soát vé ở một chiếc quầy nhỏ.
Ôi sao nhìn mặt quen thế kia.
Anh ta nhìn lại tôi, cũng ngờ ngợ gì đó. Sau khi đưa vé, anh ta nói với theo: "Ê nhóc, ê nhóc!"
Tôi nhìn lại anh ta, kiểu: có gì không?
Anh ta nói: "Nhớ tao không? Trận banh ở Varzea nè! Tao sẽ đá mày què giò!"
Tôi hơi giật mình, vì không biết anh ta định làm gì đây.
Rồi anh ta nói: "Nhóc, tao đá mày thật đó. Mày không tin à".
Tôi cố trấn tĩnh, làm ra vẻ ngầu: "Giỡn hoài. Em biết anh giỡn mà".
"Không, không. Tao đã tính đá cho mày gãy giò. Nhưng bây giờ mày đá cho đội bóng yêu thích của tao, nên tao kết mày rồi. Trời ơi, hồi đó mà tao đá gãy giò mày thì giờ sao ta?".
Chúng tôi bật cười ha hả, và tôi chụp cùng anh ấy một bức hình.
Có một câu nói mà chúng tôi hay dùng ở Brazil, và đấy là cách duy nhất để mô tả những gì đã xảy ra với tôi. Đời tôi đã chuyển từ nước sang rượu. Mới 5 năm trước thôi, tôi còn đá bóng ở Varzea, cố để sống sót, cố để được một CLB lớn ở Brazil chú ý. Tôi đã chơi cùng với nhiều cầu thủ giỏi không thua gì mình. Vậy mà bây giờ họ lái xe buýt, làm việc ở siêu thị hay làm xây dựng. Đâu phải họ lười biếng hay kém tài. Tất cả chỉ là cơ hội và vận may. Một số người cần phải kiếm sống, và họ phải từ bỏ giấc mơ.
Tình yêu thương và niềm tin vô điều kiện của mẹ là một động lực quan trọng để Gabriel Jesus theo đuổi giấc mơ bóng đá
Nếu không có sự hỗ trợ của mẹ, có lẽ đời tôi cũng không khác mấy. Nhờ có mẹ, tôi có cơ hội được vào Palmeiras năm 15 tuổi, và mọi thứ từ ấy cất cánh. Tôi không thể giải thích, chỉ có thể nói đấy là số mệnh. Chúa đã có những dàn xếp hoàn hảo. Tôi vào đội trẻ, rồi không lâu sau ký hợp đồng với đội một, rồi thăng tiến như hỏa tiễn. Từ đội dự bị lên đội một, rồi tôi được gọi vào đội tuyển Brazil dự Olympic Rio 2016. Khi hay tin được triệu tập, tôi xúc động đến phát điên.
Mới hai năm trước, tôi còn lang thang trên đường phố Peri, dùng sơn vẽ tranh tường cổ động cho đội tuyển ở World Cup 2014. Bọn trẻ trong xóm tôi vẽ rất đẹp, và chúng đã họa hình những tuyển thủ dự giải trên tường: từ David Luiz đến Neymar. Vậy mà bây giờ, tôi sẽ dự Olympic cùng
Neymar. Giây phút khoác lên người chiếc áo vàng xanh, tôi có cảm giác mình vừa chinh phục một giấc mơ.
Olympic có ý nghĩa rất đặc biệt với người Brazil, vì chiếc HC vàng bóng đá nam là danh hiệu duy nhất mà Quốc gia của bóng đá chưa có. Tôi nhớ áp lực lên đội tuyển năm ấy rất nặng, không chỉ vì giải tổ chức trên sân nhà Rio, mà còn vì thất bại trước đó tại World Cup 2014. Hai trận đầu tiên không tốt mấy, chúng tôi hứng chịu vô vàn chỉ trích, chịu nặng nhất là Neymar. Tôi rất ngưỡng mộ Neymar vì cách anh ấy đối diện với mọi thứ và dẫn dắt chúng tôi.
Được làm đàn em của Neymar là một cơ may của Gabriel Jesus
Neymar đối xử với mọi người như anh em. Trước giải, tôi còn là fan của anh ấy, vậy mà bây giờ tôi lại gần gũi với thần tượng như thế. Cách Neymar ứng xử làm tôi rất ngạc nhiên, bởi vì dù mới bước vào thế giới bóng đá chuyên nghiệp ít lâu, tôi cũng nhận ra các cầu thủ đều có cái tôi cao và đa số rất khó gần. Ai cũng đeo cho mình một chiếc mặt nạ. Họ ứng xử trước mặt truyền thông khác, nhưng trong phòng thay quần áo lại khác. Nhưng Neymar lại tử tế với tất cả. Nhờ anh ấy, chúng tôi đoàn kết hơn, phớt lờ áp lực và chơi bóng vì nhau.
Tấm HC vàng mang lại một thời khắc tuyệt vời cho chúng tôi và đất nước. Trước giải Neymar xăm một hình mới lên người. Và tôi đã lấy cảm hứng ấy để xăm theo. Hình xăm ấy vẽ một đứa trẻ, đứng ở dưới chân đồi, nhìn lên khu ổ chuột, cầm một quả bóng trên tay và bắt đầu mơ mộng.
Đấy không chỉ là tôi, không chỉ là Neymar, mà còn là rất nhiều đứa trẻ Brazil khác. Đấy là lý do tấm HC vàng Olympic ấy có ý nghĩa với chúng tôi. Tôi đang cố làm mọi thứ để có thể cùng Brazil dự World Cup 2018, nhưng Brazil vẫn luôn là Brazil. Cuộc cạnh tranh vị trí luôn rất khốc liệt và không có gì dễ dàng. Đấy là lý do tôi gia nhập Man City. Tôi biết mình cần phải tiến bộ.
Cùng với nhau, Neymar và Jesus góp công giúp Brazil hoàn thành ước nguyện đoạt HC vàng bóng đá nam ở Olympic
Anh là một quốc gia hoàn toàn khác biệt với Brazil. Ở đây bạn hiếm khi nào nhìn thấy mặt trời. Tôi đã có cơ hội đến nhiều CLB mạnh khác, những nơi ấm áp hơn, nhưng tôi vẫn chọn Man City vì Pep Guardiola. Đây là lần đầu tiên tôi đến sống tại một quốc gia mới, thời tiết thì lạnh và tôi thì không biết ngoại ngữ. Cả một trời thử thách. Tuy nhiên, khi Guardiola gọi điện, tôi quyết định ngay. Vì ông ấy nói tôi sẽ là một phần quan trọng cho tương lai của City.
Cuộc gọi ấy rất quan trọng, vì nó cho thấy
Guardiola rất quan tâm đến tương lai. Vì sự chân thành của Guardiola, tôi đã không suy nghĩ đến lần thứ hai. Nhưng trước khi đến Man City, tôi phải làm thêm một việc, để khép lại một chương trong đời.
Tôi quay lại mặt sân mà Pequeninos từng chơi, với đôi giày trên tay như thời còn 9 tuổi. Khác chăng bây giờ, ngoài đôi giày của mình, tôi còn mua thêm 250 đôi khác cho bọn trẻ. Bây giờ, nếu có bất kỳ CLB lớn nào đến đá với Pequeninos trên mặt sân này, họ sẽ không còn lý do để đổ thừa nữa.
Khi đến Man City lần đầu, tôi có cảm giác mình vừa đánh mất mọi thứ. Mẹ tôi đã bay đi bay lại giữa Anh và Brazil để khiến tôi cảm thấy đỡ hiu quạnh. Xa mẹ là một cảm giác khủng khiếp, vì bà là tất cả với tôi. Bà vừa là mẹ, vừa là cha. Thời còn ở Pequeninos, tôi đã bao lần tủi thân khi thấy bọn trẻ thi đấu có bố đứng ngoài sân cổ vũ. Nhưng bây giờ, khi có ai hỏi về bố, tôi sẽ nói bố tôi chính là mẹ tôi.
Bà cũng là một Siêu nhân không áo choàng.
Thế nên khi tôi ghi bàn, ngay cả khi biết mẹ không có trên sân, tôi vẫn "bốc máy lên" và nói chuyện với bà. Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi luôn phải cất tiếng gọi để xem tôi đang ở đâu. Không thấy tôi, bà gọi điện đến nhà các bạn để tìm tôi.
"Alo mẹ!".
Khi tôi "bốc máy lên", đấy là sự vinh danh dành cho mẹ và sự khó khăn của gia đình. Nó còn là sự vinh danh cho bạn bè, gia đình, HLV Mamede và những ai đã giúp tôi có được ngày hôm nay.
Là một kẻ luôn mơ mộng, nhưng ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ mình có ngày hôm nay. World Cup năm sau, bọn trẻ sẽ lại vẽ tranh trên tường. Có thể chúng sẽ không được chơi cho một đội bóng lớn, có thể chúng sẽ bị người lớn khuyên bỏ cuộc.
Nhưng tôi muốn khuyên chúng đừng bao giờ từ bỏ.
Bốn năm trước khi bước ra khỏi đường hầm sân Etihad, tôi còn đá ở Varzea và bị người ta dọa "đá gãy giò". Thế nên các bạn trẻ, đời bạn hôm nay có thể chỉ là sandwich và soda, nhưng nếu tiếp tục mộng mơ, ai biết chuyện gì có thể xảy ra?
Nước có thể hóa thành rượu.
Nên các bạn trẻ, nếu đã đọc đến đây, tôi xin có một lời nhắn gửi sau cùng, từ trái tim mình: Đừng ngừng mơ mộng.
À, vẫn còn một thứ nữa, nhớ làm vì tôi nhé.
Gọi cho mẹ. Kẻo bà ấy trông!