Rõ ràng, việc kết thúc mùa bóng đầu tiên ở vị trí thứ 8 không thể làm Maradona hài lòng. Mùa hè năm 1985, anh trực tiếp đến gặp Chủ tịch Corrado Ferlaino và ra yêu sách, hoặc Napoli phải tăng cường lực lượng, hoặc anh sẽ ra đi...
Bắt đầu ra yêu sách
Đó là một quyết định khá dũng cảm của Maradona. Nhưng anh cũng biết rằng, mình vốn đã được coi là một vị thánh ở San Paolo, Ferlaino dù ngứa mắt đến đâu cũng không dám bán anh. Thế là
Maradona cao giọng: “Hãy mua về ba hoặc bốn cầu thủ giỏi và bán đi những người kém cỏi. Tôi không thể chơi cạnh những cầu thủ mà chỉ mới vừa chạm bóng thôi anh ta đã bị khán giả la ó”.
Giống như một đứa trẻ vòi vĩnh đồ chơi của mình trước một cửa tiệm tạp hóa, Maradona cuối cùng cũng có được thứ mình muốn. Napoli đã mang về những con người mới: Claudio Garella, Alessandro Renica, đồng thời Ciro Ferrara cũng được đôn lên từ tuyến trẻ.
Maradona viết trong cuốn hồi ký của mình “Tôi đã bắt đầu một kỷ nguyên mới ở Napoli và mang về cho đội bóng sự tôn trọng. Trước khi tôi đến, Paolo Rossi từng từ chối gia nhập nơi này. Anh ấy bảo Naples không phải là thành phố dành cho mình với những băng nhóm mafia nhung nhúc. Sự thật là, trước khi tôi chuyển đến đây, chẳng một ai muốn tới Napoli cả”.
Bản hợp đồng chất lượng nhất chính là chân sút Bruno Giordano. Khi Lazio chạm trán với Napoli, Giordano đã rất ấn tượng với Maradona. Anh hùng trọng anh hùng, cả hai tỏ ra rất tâm đầu ý hợp. Nhưng khi cuộc thương thảo bắt đầu, Lazio hét giá Giordano tới 3 triệu USD. Đó là một con số khiến Ferlaino, như cái cách mà Maradona nói là “khóc lóc trước mặt tôi rằng ông ta không có đủ tiền”. Còn Maradona thì chẳng chút mảy may động lòng, thản nhiên vỗ vai Ferlaino và nói: “Cố gắng lên, ông bạn già!”.
Cũng trong mùa hè năm ấy, Napoli bổ nhiệm ông thầy Ottavio Bianchi làm HLV trưởng. Bianchi là một người khắc khổ, nghiêm túc, sinh ra tại miền Bắc (vùng Brescia). Ngay từ đầu, Maradona đã không ưa nổi gã này. “Ông ta rất khó tính, trông chẳng có chút Latin nào cả. Ông ta giống một người Đức hơn. Bạn chẳng bao giờ chọc cười nổi ông ấy”, Maradona viết trong hồi ký những dòng như thế về ông thầy của mình.
Rất nhiều bài tập của Bianchi khiến Maradona phát điên. Bianchi cố gắng chỉnh đốn lại tác phong chơi bóng của chân sút người Argentina vốn đã quá quen với những pha xử lý ngẫu hứng.
Một lần, Bianchi gọi Maradona lại và nói: “Tôi có một vài bài tập muốn cậu thực hiện”
Maradona: “Bài nào vậy?”
Bianchi: “Tôi sẽ ném trái bóng và muốn cậu tập xoạc bóng, nhoài người trên mặt đất. Hãy thực hiện bằng cả hai chân”.
Maradona: “Tôi không làm đâu. Tôi chẳng thích ngã xuống đất chút nào. Tôi chỉ ngã nếu bị đối phương đẩy xuống thôi”.
Bianchi: “Tốt thôi, chúng ta vẫn còn cả năm để tập luyện”.
Maradona: “Được rồi, đến lúc tôi phải đi rồi”.
Cơn sốt Maradona
Napoli vươn lên xếp thứ 3 Serie A ngay trong mùa đầu tiên Bianchi dẫn dắt. Sau khi một mình kéo cả ĐT Argentina lên ngôi vô địch
World Cup 1986, ảnh hưởng của Maradona ở Napoli càng lớn. Sự hâm mộ của người dân Naples với anh hầu như không thể diễn tả thành lời.
John Foot, tác giả của cuốn sách có nhan đề “Calcio: Một trang lịch sử bóng đá Ý”, đã viết trong tác phẩm của mình những dòng thế này: “Niềm hâm mộ đối với Diego thậm chí đã trở thành một sự sùng bái. Nó là một sự kết hợp phức tạp giữa sự sùng bái ngẫu tượng, mê tín và cả tình yêu”.
Theo một số liệu riêng của Foot, trong thời gian Maradona thi đấu cho Napoli, có đến 80% cổ động viên ở San Paolo đã đặt vé cả mùa. Ở một xứ đạo, khoảng 25% những đứa trẻ mới sinh ra đều được đặt tên là “Diego” giống như Maradona.
Chính huyền thoại Argentina sau này cũng phải thừa nhận mình thậm chí còn không thể đi dạo phố một cách bình thường nổi: “Có lẽ tôi còn không thể mua nổi một đôi giày bởi vì chỉ đúng 5 phút sau khi tôi bước vào nhà hàng, sẽ có đến hàng nghìn người sẵn sàng đập tan cửa kính và tràn vào bên trong”.
Ở nhà riêng, Maradona cũng gặp rất nhiều phiền toái mỗi lần định lái xe ra ngoài. Đám đông thường vây kín lấy gara ô tô của anh. Giải pháp duy nhất là về số, đạp ga, bóp còi thật mạnh để tiếng động cơ họa may có thể khiến đám đông kia giãn ra một chút. Nhưng họ vẫn không tha cho Maradona và cưỡi xe gắn máy đuổi theo ô tô của anh. “Mọi chuyện thật sự rất điên rồ. Dẫu tôi có lái Mercedes hay Ferrari thì cũng vẫn chịu thua họ!”, Maradona cảm thán.
Ngay cả những phóng viên thể thao, vốn là những người phải giữ thái độ lạnh lùng nhất, cũng không thể giữ nổi mình khi nhìn thấy Maradona. Sau trận Napoli đánh bại Como 2-1 vào cuối năm 1986, các phóng viên xếp thành từng hàng đợi Maradona trong hành lang phòng thay đồ.
Agnew, một phóng viên địa phương thuật lại: “Mới thấy bóng dáng Maradona thấp thoáng ở hành lang, các đồng nghiệp của tôi gần như trở nên mất trí. Họ xô đẩy nhau, chen lấn tiến về phía trước không phải để phỏng vấn hay thọc một chiếc micro vào mặt anh ấy mà để bắt tay thậm chí là ôm hôn Maradona”.
Thời ấy, người ta phát cuồng vì Maradona cũng là điều dễ hiểu. Ngay cả đến bây giờ, mỗi khi mở lại băng ghi hình của Maradona, bạn cũng vẫn luôn nổi da gà. Những bàn thắng của anh thực sự ngoạn mục, từ lừa bóng, solo đột phá, sút phạt trực tiếp đến những cú vô lê từ ngoài 30 mét hay những pha làm bàn từ chấm phạt góc.
Khả năng giữ thăng bằng siêu hạng của Maradona luôn khiến các hậu vệ phải chật vật, không ngừng phạm lỗi để ngăn cản anh. Nhưng anh cũng rất dũng cảm. Maradona luôn cháy hết mình trong mỗi trận đấu. Dù biết rằng mình có thể phải lĩnh những cú vào bóng ác ý bằng gầm giày, anh vẫn luôn lao mình vào những điểm nóng ở giữa sân, nơi đầy rẫy những gã đồ tể.
Franco Baresi từng nói trên tạp chí “Four Four Two” về Maradona thế này: “Chúng tôi luôn phải dè chừng với cậu ta. Hàng phòng ngự phải luôn chơi tập trung, giữ cự ly tốt và tích cực gây sức ép lên Maradona gấp hai, gấp ba lần bình thường để hạn chế khả năng của cậu ta. Bởi trong những tình huống một chọi một, bạn chắc chắn sẽ không thể đánh bại Maradona”.
(Còn nữa)