Một mùa giải bỏ đi của Chelsea khiến người ta tự hỏi, có phải đã đến lúc đội bóng cần thay đổi chính sách phát triển cũ đã lỗi thời? Có phải đã đến lúc Roman Abramovich thôi “xây nhà từ nóc”?
Một làn sóng mới
Trong trận hòa 1-1 mới đây trên sân Anfield, Guus Hiddink đã kịp giới thiệu thêm một tài năng trẻ của lò đào tạo
Chelsea nữa: Tammy Abraham. Đó có thể là cái tên xa lạ ngay với cả chính người hâm mộ Chelsea.
Nhưng chân sút 18 tuổi đầu ấy đã ghi tới 20 bàn trong màu áo đội trẻ U21 Chelsea. Abraham đã có gần 20 phút hít thở không khí một trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh. Với những cầu thủ trẻ như anh, điều đó thực sự quý báu.
Kể từ khi tiếp quản Chelsea thay Jose Mourinho, dù chỉ với tư cách tạm quyền ngắn hạn, Guus Hiddink đã làm được nhiều điều hơn hẳn người tiền nhiệm. Chelsea, tất nhiên, đã mau chóng vào vùng an toàn trụ hạng (mục tiêu thảm hại nhất của đội bóng nhiều năm qua). Hơn thế, cách ứng xử với các tài năng trẻ của họ cũng đã khác.
Khi những trụ cột đội 1 như Fabregas, Hazard hay Matic, Terry đánh mất mình, cơ hội đến với lớp trẻ tuyến dưới. Mùa này, Guus Hiddink đã giới thiệu và sử dụng tổng cộng 8 cầu thủ dưới 21 tuổi.
Những cái tên gây ấn tượng nhất có thể kể đến Kurt Zouma, sự thay thế tương lai cho John Terry, Bertrand Traore, người đã ghi được 4 bàn thắng sau 15 trận ra sân hay Baba Rahman, hậu vệ cánh đã có 22 lần ra sân và 2 pha kiến tạo.
Hành quân đến sân Anfield, trước một đội chủ nhà đang hưng phấn, Hiddink vẫn mạnh dạn tung ra sân tới 5 cầu thủ trẻ (Traore, Rahman, Abraham, Loftus-Cheek và Kenedy).
Trẻ hóa là lẽ sống
Không quá khó hiểu cho thái độ ứng xử đó của Hiddink dành cho các cầu thủ trẻ. Những năm qua, tuyến trẻ Chelsea đã gặt hái được rất nhiều thành công. Hai năm liên tiếp gần đây, đội U19 Chelsea lên ngôi vô địch giải trẻ Champions League.
Còn đội U18 Chelsea thậm chí đã có 5 mùa liên tiếp lọt vào trận chung kết giải trẻ FA Cup. Hôm 27/4 vừa rồi, chiến thắng giòn giã 3-1 trong trận chung kết lượt về trước U18 Man City đã mang về chức vô địch mùa thứ 3 liên tiếp cho các cầu thủ trẻ Chelsea.
Sự trỗi dậy của lò trẻ Chelsea đã mở ra một hướng đi mới cho Chelsea kể cả trong chính sách mua bán cầu thủ lẫn đường lối phát triển đội bóng. Thay vì phải bỏ ra gần 200 nghìn bảng mỗi tuần cho những “kẻ ăn hại” như Falcao, ông chủ Abramovich hẳn sẽ hài lòng hơn khi chứng kiến những tiền đạo “cây nhà lá vườn” như Solanke hay Traore ra sân mỗi tuần, dù chỉ là từ băng ghế dự bị.
Hãy nhìn sang
Man Utd để thấy chính sách trẻ hóa đã phát huy hiệu quả ra sao khi một đội bóng đang trượt dài trong khủng hoảng. Chính những tài năng trẻ như Rashford, Martial, Valera, Lingard, Fosu-Mensah hay Borthwich-Jackson, McNair... đã cứu vãn chiếc ghế lung lay chao đảo suốt cả mùa của HLV trưởng Louis Van Gaal.
Sự bùng nổ của Martial hay Rashford chính là lý do duy nhất khiến người hâm mộ còn tin vào một mùa giải vốn đã rất bết bát của “Quỷ đỏ”. Họ cũng chính là những người đưa Man Utd tiến vào trận chung kết FA Cup, cơ hội cuối cùng để đội bóng có được danh hiệu năm nay.
Trở lại với Chelsea, đóng góp của những tài năng trẻ dù chưa nhiều (ghi 5 bàn, kiến tạo 3 lần) nhưng đã chứng minh rằng họ hoàn toàn có thể xây dựng một tập thể có truyền thống, có tính kế thừa.
Mourinho từng ca thán rằng mình không thể dẫn dắt đội bóng vô địch khi có trong tay 10 cầu thủ trưởng thành và 10 tài năng trẻ. Điều đó có lẽ đúng với ông, người luôn mang một mặc cảm sợ hãi thất bại nặng nề, luôn gạt bỏ các tài năng trẻ.
Năm ngoái, Chelsea đã gửi đi tổng cộng 33 cầu thủ theo những bản hợp đồng cho mượn khắp châu Âu. Không ít trong số đó là những tài năng trẻ thực sự tiềm năng. Chỉ cần được trao thêm cơ hội, biệt đội đánh thuê ấy có thể khiến cả nước Anh phải chấn động chứ chẳng chơi!