Không ai là ốc đảo trong cuộc đời này. Một con người mạnh mẽ như nhân vật anh nhân viên FedEx (do Tom Hanks thủ vai) trong bộ phim xuất sắc Cast Away cũng có lúc cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng khi cuộc sống và tình yêu dần xa rời, ngạo nghễ cười vào số phận của anh.
Tom Hanks (được đề cử Oscar vai nam chính xuất sắc cho vai diễn trên) từng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Không ai cô độc mà hạnh phúc”. Nhưng Carlos Caetano Bledorn Verri có lẽ là ngoại lệ.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta không biết đến “nhân vật” lạ hoắc kể trên, nhưng nếu nói đến cái tên Carlos Dunga thì hẳn ai cũng biết. Đó là một trong những HLV “bất đắc dĩ” nhất lịch sử bóng đá Brazil, đồng thời đó cũng là HLV gần nhất đem về cho Selecao những danh hiệu gồm Copa America 2007 và Confederations Cup 2009.
Dunga là nhân vật luôn gây tranh cãi, và nói thẳng ra là luôn bị chỉ trích vì thói quen ngược dòng dư luận. Ví dụ, Dunga nói rằng: “Brazil không Neymar có khi lại là điềm lành vì các cầu thủ khác sẽ phải tập trung, nỗ lực hơn, đồng thời cơ hội cũng sẽ được trao cho nhiều người hơn”.
Dunga cũng khiến nhiều người bất ngờ khi chọn Miranda làm thủ quân Brazil, để Thiago Silva dự bị, chọn một cầu thủ của Hoffenheim (Firmino), một người thi đấu ở Trung Quốc (Diego Tardelli khoác áo Shandong Luneng), một người ở Trung Đông (Everton Ribeiro chơi cho Al Ahli) hoặc một thủ môn 33 tuổi chơi ở giải hạng Nhì Brazil (Jefferson) vào danh sách dự Copa America 2015.
Nếu ai thắc mắc thì Dunga sẽ giải thích: “Tôi cũng từng chơi bóng ở Nhật Bản nhưng vẫn được dự World Cup đấy thôi, thậm chí là mang băng thủ quân Brazil”. Cũng chính Dunga đã loại Neymar, Pato và Ronaldinho khỏi danh sách Brazil dự VCK World Cup 2010.
Dunga đã loại Neymar, Pato và Ronaldinho khỏi danh sách dự World Cup 2010.
Câu nói cửa miệng của Dunga là “giá tôi có thể làm tốt hơn, nhưng tôi luôn biết mình đã làm tốt nhất trong khả năng”. Người ta chỉ trích Dunga vì ông chọn lối đá phòng ngự - phản công đậm chất thực dụng thay vì phong cách bay bướm sáng tạo thường thấy của bóng đá Brazil
. Báo chí xứ Samba luôn chĩa mũi dùi vào ông bởi Dunga rất ghét những cuộc họp báo dài lê thê vì “bổn phận” của LĐBĐ Brazil hoặc BTC các giải lớn với giới truyền thông. Nhưng Dunga cười xòa khi có một fan từng gọi ông là… con chó bẩn thỉu, theo nghĩa đen hoàn toàn chứ không phải ca ngợi theo nghĩa bóng như bài viết “Messi là một con chó” từng được khen hết lời.
Dunga nói rằng ông có thể lấy ngay trường hợp Messi từng ghi bàn bằng tay để chứng tỏ siêu sao Argentina không “hoàn mỹ” như trong bài viết kể trên. Dunga cũng chẳng buồn khi bị gọi là chú lùn Dopey (tên của một nhân vật trong truyện Bạch tuyết bảy chú lùn, từ Dunga dịch ra tiếng Bồ Đào Nha chính là Dopey), hoặc cũng chẳng bận tâm khi bị xem là nhân vật của thời kỳ đen tối nhất lịch sử Selecao mang tên Kỷ nguyên Dunga (ra đời sau khi Brazil bị Argentina loại ngay ở vòng 2 World Cup 1990).
Dunga từng nói thẳng: “Ở Brazil có nhiều kẻ đạo đức giả”. Có những người từng chửi bới ông, nhưng sau đó lại ca ngợi ông hết lời khi thủ quân Dunga dẫn dắt Brazil vô địch World Cup 1994 và giành ngôi á quân World Cup 1998. Brazil đoạt Cúp thế giới các năm 1994 và 2002 với phong cách hệt như Selecao dưới thời HLV Dunga vô địch Copa America 2007 và Confederations Cup 2009.
Dunga “Brazil không Neymar có khi lại là điềm lành vì các cầu thủ khác sẽ phải tập trung hơn..."
Nếu Brazil vô địch Nam Mỹ năm nay với triết lý bóng đá “phản Brazil” của Dunga, không có gì bất ngờ nếu HLV của Selecao nói câu quen thuộc: “Tôi luôn biết mình làm gì, và tôi hạnh phúc dù có lúc cả thế giới chống lại tôi”.