Ra biển lớn phải tiêu lớn. Đó là điều không thể khác. Nhiều người nhẩm tính, nguyên lo cho 6 đội tuyển ở VCK U23 châu Á tới đây đã tiêu tốn của VFF số tiền 60-70 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí cực lớn, đặc biệt với điều kiện của bóng đá Việt Nam khi ngân sách từ nhà nước không phải là vô tận và công tác kêu gọi tài trợ luôn vô cùng khó khăn. Nhưng chắc chắn một điều, dù có thế nào thì các đội tuyển vẫn phải được đầu tư để chuẩn bị cho đấu trường lớn một cách tươm tất nhất có thể.
Nhiều người bảo, bóng đá Việt Nam vẫn còn ở một khoảng cách rất xa với đấu trường châu Á. Các đội tuyển của chúng ta ít có khả năng tiến sâu ở sân chơi lớn. Cũng chính vì điều này mà có người nói đến hiệu quả đầu tư trong bối cảnh nền bóng đá chẳng dồi dào về kinh tế. Nói một cách ví von là chúng ta có nên đầu tư vào một cuộc đua mà biết chắc rằng mình không thể đến đích, hoặc thua cuộc từ rất sớm.
Bóng đá đúng là phải hướng đến sự thắng, thua. Ra trận, bạn luôn phải đặt mục tiêu có thành tích. Đặc biệt với những nền bóng đá đang phát triển, đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào, đầu tư bao nhiêu luôn là câu hỏi mà các nhà quản lý cần phải có câu trả lời. Nhưng, bóng đá cũng là một hành trình mà sự đầu tư hôm nay có thể không mang đến thành tích nhưng về lâu dài, nó lại phát huy tác dụng.
Ra biển lớn, nó không thể hiện khát vọng hội nhập của bóng đá Việt Nam mà còn mang đến cơ hội để chúng ta nhận ra mình đang ở đâu và cần phải làm gì để cải thiện vị thế. Và chắc chắn rằng, những cầu thủ được va đập với những đối thủ mạnh hơn mình rất nhiều sẽ có cơ hội để trưởng thành. Sự trui rèn của các cầu thủ, bản lĩnh của các đội tuyển là cách tốt nhất để chúng ta đầu tư cho tương lai. Ấy mới nói, thi thố ở đấu trường châu lục là quãng đường ngắn nhưng nền bóng đá sẽ có con đường dài để phát triển.